27/9/11

Tìm hiểu thêm về việc họ.

Trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” luôn luôn được đề cao. Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tín ngưỡng thể hiện rõ nét truyền thống ấy.

Đây là một phong tục không bắt buộc nhưng lại gần như là thứ "luật bất thành vǎn" trong đời sống tâm linh của người Việt tồn tại qua bao thế hệ. Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với công ơn các bậc sinh thành. Đối với người Việt, mối quan hệ huyết thống, thân tộc vô cùng quan trọng. Dù đi xa hay gần, mỗi người đều luôn ý thức về cội nguồn, tổ tiên, dòng họ của mình.

Theo Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, Viện Văn hóa dân gian Việt Nam, những năm trở lại đây, các phong tục, nghi lễ văn hóa truyền thống ngày càng được toàn thể xã hội quan tâm, chú trọng. Nghi lễ gia đình, dòng họ ở một khía cạnh nào đó, cũng chính là một di sản văn hoá phi vật thể. Nó được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ cá nhân này đến cá nhân khác. 

Rất cần có phương án gìn giữ, lưu truyền để các thế hệ người Việt sau này có được cái nhìn đầy đủ về cội nguồn dân tộc. "Tuy nhiên hiện nay, điều cần nhất là làm sao đưa ra được những nghi lễ vừa bảo tồn được nét truyền thống, lại vừa phù hợp với xã hội hiện đại. Cách thức tổ chức cũng cần tiến hành sao cho vẫn thể hiện được đầy đủ ý nghĩa, mà không quá xa hoa lãng phí", giáo sư Khánh nói.

Dòng họ - nguồn mạch truyền thống

Ở Việt Nam, dòng họ bền vững trong nếp sống cộng đồng. Lịch sử của một làng có khi từ một gia đình sinh cơ lập nghiệp. Gia đình lớn dần thành chi, thành phái. Tổ họ đồng thời là Thành hoàng, thành tổ nghề và họ truyền cho con cháu hậu duệ giữ lấy nghiệp lấy nghề, giữ lấy truyền thống làng xã, tổ phụ. Bởi thế mối liên kết dòng họ tưởng như không thành văn, thành luật nhưng vô cùng chặt chẽ, không chỉ một vài đời con cháu mà nhiều nơi hội đồng gia tộc truyền đời tới vài ba chục thế hệ. Trong cuốn tộc phả dòng họ Nguyễn Ðình ở Nghệ An, mở đầu trang trọng truyền lại cháu con: "Muôn vật sinh ra là nhờ có đất trời, con người sinh ra là nhờ có Tổ tiên. Lòng biết ơn Tiên tổ từ bao đời nay đã là nét cao đẹp trong nhân cách con người. Biết ơn Tổ tiên, con người có thêm sức mạnh tinh thần để yêu giang san, xã tắc, có thêm hạnh phúc bền lâu với đời...". Mới hay việc lập đền, thờ cúng Tổ tiên chứa đựng trong đó tâm thức hướng tới đạo nghĩa làm người ở trong trời đất.

Mối liên kết tộc họ bằng nhiều cách riêng, tùy tập quán địa phương, những quy thức của từng họ mà lâu đời trở thành nền nếp, thành tập quán và truyền thống. Tuy nhiên tính tương đồng mang tính phổ quát. Dòng họ có nhà thờ Tổ. Ngày giỗ, con cháu thập phương tìm đường về thắp hương, dâng lễ tạ ơn Tiên tổ, trời đất. Ðây cũng là dịp các chi xa chi gần tìm về nhận họ hàng, phân định trên dưới, anh em. Những cuộc đoàn tụ như vậy thường diễn ra vào ngày giỗ tổ, hoặc tháng 3, tháng 7 âm lịch, nhằm vào tiết Thanh Kinh hằng năm. Ðó là những dịp gặp gỡ ấm tình huyết thống và cảm động. Cháu con chung sức xây dựng tôn tạo nhà tờ, sửa sang phần mộ. Ðây cũng là dịp để họ đương chi phái kiểm điểm lại những việc cháu con đã làm, những công tích đáng ghi. Theo đó cuốn gia phả, tộc phả có dịp ghi thêm vào truyền thống của dòng họ mình đời này qua đời khác.

Hằng năm, cứ đến ngày 28 tháng 2 âm lịch tại làng Kim Ðôi tỉnh Bắc Ninh dù ai đi đâu về đâu cũng nhớ về giỗ Tổ để tự hào về tổ tiên dòng họ. Trong số 25 tiến sĩ của làng mà bia đá còn ngời ngời nơi Quốc Tử Giám, có tới 18 vị tiến sĩ dòng họ Nguyễn với 13 đời nối tiếp đỗ đại khoa. Ðặc biệt trong đó có 1 gia đình 5 anh em đỗ tiến sĩ trong 4 khoa thi Ðình liên tiếp. Hiếu học là một bằng chứng của truyền thống văn hóa dòng họ. Nhưng không chỉ có thế. Trong gia đình, họ đương nhiều đời truyền lại cháu con nghề truyền thống mà nay thường gọi là nghề gia truyền. Nghề ươm tơ dệt vải, nghề rèn, nghề mộc, nghề chạm khảm, nghề đúc đồng, nặn tượng v.v... Khởi thủy của dòng nghề đó là từ một gia đình, một dòng họ.

Dòng họ trong cuộc sống cộng đồng người Việt mang đậm bản sắc văn hóa. Cây có gốc có rễ, người có nguồn có cội. Bởi thế mà nhiều người Việt, dù đã sống xa Tổ quốc nhưng vẫn hướng lòng về xứ sở, về nguồn cội thiêng liêng của mình. Mấy năm về trước, dòng họ Lý đã đón tiếp hậu duệ một quân vương họ Lý phiêu bạt sang Hàn Quốc. Tính đến nay đã ngót 9 thế kỷ mà con cháu họ Lý vẫn không nguôi nhớ về Tổ tiên xa xưa của mình. Nhiều Việt kiều xa nước, chưa có điều kiện về lại quê hương, đã gửi tiền về cho Hội đồng tộc họ để góp phần mình tu tạo nhà thờ, phần mộ Tổ tông.

Nhiều người tâm huyết với văn hóa dòng họ đã để công trong nhiều thập kỷ nghiên cứu, sưu tầm hệ thống những tinh hoa, truyền thống của dòng họ Việt Nam nói chung cũng như của một số dòng họ đặc sắc trong lịch sử, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển văn hóa dân tộc. Cuốn sách công phu "Tìm hiểu di sản văn hóa gia đình Việt Nam", hay "Cuộc hành trình trở về cội nguồn" v.v... Ðặc biệt có những cuốn gia phả như trong "Thiên Nam liệt truyện Nguyễn Cảnh Thị Hoan Châu ký" chép lại một dòng họ từ giữa thế kỷ 17 lại nay.

Tại câu lạc bộ UNESCO, thông tin các dòng họ Việt Nam cách đây không lâu đã tổ chức thành công hội thảo mang tên "Dòng họ với truyền thống văn hóa dân tộc". Nhiều tham luận có giá trị như một công trình nghiên cứu văn hóa đặc thù Việt Nam.

Họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê, họ Phan,Họ Đoàn, họ Ðặng... trăm họ tạo nên dân tộc. Trăm ngàn nhà tạo nên làng xã, làm nên Ðất Nước. Nhà có yên thì nước mới vững. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Quan niệm về Dân-Nước, về Làng-Nước quyện vào trong hình tượng Tổ quốc, Dân tộc. Dân tộc trường tồn trong nguồn mạch văn hóa cộng đồng. Dòng họ đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu được trong quá trình dựng nước và giữ nước. Gìn giữ bản sắc dân tộc, truyền thống cùng với phong tục tập quán văn minh, tạo nên nếp sống của dân tộc. Tìm về dòng họ, tìm về cội nguồn chính là tìm về truyền thống tốt đẹp của dân tộc của đất nước mình.

Họ hàng thành đạt thì làng xã phồn vinh.
Trước Cách Mạng Tháng Tám, bộ máy hương lý có quyền điều hành những công việc về hành chính, pháp lý, trật tự trị an, còn những việc xây dựng nông thôn, chấn hưng phong hoá như làm đường sá, đào giếng, sửa sang đình chùa, hội hè,... hội đồng hào mục muốn huy động công sức, tiền của của dân phải dựa vào các họ, nên mỗi xã, thôn có một Hội đồng tộc biểu bao gồm những người có vai vế trong các họ. Chỉ những vị đó mới có khả năng vận động con cháu trong các họ ra làng xã làm những việc công ích.

Phục hồi việc họ, nếu được hướng dẫn đúng đắn sẽ có lợi nhiều mặt đối với phong trào địa phương:
  • Phục hồi luân lý, đạo đức kỷ cương xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới.
  • Góp phần trong việc giáo dục tư tưởng cha mẹ hiền từ, con trung hiếu, cháu thảo hiền, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan.
  • Vận dụng kinh nghiệm của các họ thời xưa, có đặt binh điền, học điền, tổ chức lễ họ, hội tương tế. Vận động đặt các giải thưởng cho con cháu trong họ học giỏi, lên lớp, lên cấp, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nêu cao ý thức tôn trọng người già, thương yêu giúp đỡ người cơ nhỡ, ốm đau, tàn tật ...
Nếu khéo tổ chức, các họ còn có thể có tủ sách, câu lạc bộ văn hoá ...
Quan hệ giữa họ hàng và làng xã như thế nào
Phục hồi việc họ lợi hay hại?
Phục hồi việc họ là một cách đúng đắn, vô tư, tức là phát huy được thuần phong mỹ tục. Nếu cán bộ cơ sở biết khéo léo vận dụng đường lối, loại trừ được 3 chiều hướng tiêu cực sau đây thì càng có nhiều dòng họ vững mạnh càng có lợi cho phong trào chung:
  • Ngăn ngừa một số phần tử lợi dụng tình cảm họ hàng thân thuộc để kéo bè, kéo cánh.
  • Phục hồi việc họ, đồng thời nhân đó phục hồi luôn cả những thủ tục, mê tín dị đoan.
  • Dựa vào thế có người nhà, người trong họ có chức có quyền để bóp méo luật pháp, làm ăn sai trái.
Ngoài ra, nếu tổ chức hội hè đình đám không đúng lúc, đúng chỗ gây lãng phí, nhiều thì giờ và tiền của, ảnh hưởng đến công việc, thời vụ sản xuất, thì nên khéo léo hướng dẫn hạn chế mặt tiêu cực.

Vai trò tộc trưởng xưa và nay khác nhau như thế nào?
Ngày xưa việc họ là cứ vào tộc trưởng. Họ lớn có tộc trưởng họ lớn; các chi có trưởng chi. Tộc trưởng có quyền lợi, nghĩa vụ rõ ràng. Ruộng hương hoả và tự điền có nhiều thì lễ to, nhà thờ họ lớn, tế khí đầy đủ và ngược lại. Khi vào tế lễ, tộc trưởng đầu còn trẻ tuổi vẫn là chủ tế, các ông chú dẫu cao tuổi vẫn là bồi tế. Nếu nhỏ quá thì một ông chú kế trưởng thay thế, cũng như ông vua trẻ chưa thành niên có phụ chính đại thần.

Thời nay ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân, không còn ruộng hương hoả, không còn chế độ thu tô như trước, quyền lợi của tộc trưởng hoặc người thay tộc trưởng, đối với tổ tiên và họ hàng cũng tuỳ thuộc vào nhận thức; tâm tư, trình độ hiểu biết, hoàn cảnh sinh sống của từng người, không có một chế độ quy định nào ràng buộc. Có nhiều họ, tộc trưởng ngụ cư hoặc không thoát ly công tác ở phương xa cũng không giao (hoặc không giao được) việc họ cho ai. Trong hoàn cảnh đó, việc hương khói tế tự tổ tiên và quan hệ họ hàng bị phế khoáng.

Thể theo nguyện vọng, tâm tư, tình cảm "Uống nước nhớ nguồn", ngày giỗ ngày tết con cháu muốn dâng lên Tổ tiên bát nước, nén hương. Để bổ cứu tình trạng trên nhiều họ đã có sáng kiến thành lập một hội đồng gồm những người có uy tín, nhiệt tình trong họ để chăm lo việc họ. Chưa có một văn bản hay có một tiền lệ nào qui định đó là ban nghi lễ, là hội đồng gia tộc hay hội đồng tộc biểu.

Trước mắt, họ nào mạnh hay yếu, thành đạt hay suy vì, tình cảm họ hàng gắn bó hay không, tác động tốt xấu tới phong trào chung, còn tuỳ thuộc vào nhiệt tình, khả năng tổ chức lãnh đạo của một số cá nhân, đóng vai trò chủ chốt, chứ chưa có một cơ chế nào bảo đảm sự bền vững lâu dài.

Trong thời kỳ kháng chiến con cháu tản mác, nhiều họ bị phế khoáng không còn cơ sở vật chất để chăm lo từ đường hương hoả. Từ sau hoà bình, thống nhất đất nước, một số họ được khôi phục nhưng vì "Duy ý chí", nên phong trào loé lên một thời gian ngắn rồi lụi dần. Không còn ruộng hương hoả của tổ tiên để lại thì con cháu đóng góp tiền gửi vào quỹ tiết kiệm để lấy lãi hàng năm mà lo hương khói. Nhưng rồi do trượt giá, một vài yếu tố khách quan nữa tác động, hương khói cũng nguôi dần. Đó là nỗi lòng trăn trở nhất của những con cháu muốn kế tục sự nghiệp cha ông, muốn làm cho anh linh tổ tiên, cha ông, muốn cho dòng họ ngày càng thành đạt.

Người trong dòng họ lấy nhau được không?
Ở các nước Âu Mỹ, anh chị em con chú bác ruột vẫn có quyền lấy nhau, qua tác phẩm "Ơgiêni Grăngđê" ta thấy mối tình giữa hai anh em con chú bác ruột Grăngđe và Ơgiêni sở dĩ trắc trở là do thói keo kiệt biển lẩn của lão Grăngđê, chứ tác giả không đả động đến vấn đề chung huyết thống.

Trung Quốc là một nước chịu ảnh hưởng của văn hoá phong kiến nặng hơn ta nhiều, nhưng anh chị em con cô, cậu ruột, con dì ruột vẫn được lấy nhau. Xem Bảo Thoa, Bảo Ngọc... trong "Hồng Lâu Mộng" yêu nhau, lấy nhau là chuyện bình thường.

ở nước ta, dưới triều Trần, con cháu nhà vua chỉ được lấy người trong Hoàng tộc (lấy sang họ khác sợ bị nạn ngoại thích cướp ngôi). Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lấy Thiên Thành công chúa, tức là cô ruột của mình. Vua Trần Thánh Tông lấy Thiên Cảm Hoàng hậu, tức chị con bác ruột. Vua Trần Minh Tông lấy Lệ Thánh Hoàng hậu, tức con chú ruột, đều là cháu nội vua Trần Nhân Tông vv...

Còn trong dân gian từ triều Lê về sau, nếu trong họ nội thân cùng quê mà lấy nhau gọi là hôn thú, họ hàng không chấp nhận. Nếu cùng họ nhưng đã xa đời, thuộc chi khác nhau hay đã xa quê (gọi là biệt tổ ly tông) thì vẫn lấy nhau được. Thời xưa, do trọng nam khinh nữ, hoặc thiếu hiểu biết về gien di truyền, nên anh chị em con cô, cậu ruột coi như khác họ vẫn có quyền làm thông gia với nhau. Ca dao tục ngữ trong dân gian còn ca ngợi trường hợp cháu cậu mà lấy cháu cô, coi như "Thóc lúa trong bồ, giống má nhà ta".

Nhưng di truyền học đã khẳng định rằng người có chung huyết thống mà có con với nhau thì qua nhiều đời dòng giống bị thoái hoá, có trường hợp bị quái thai, vì vậy anh em họ lấy nhau, kể cả họ nội hay họ ngoại đều không có lợi.

Luật pháp nước ta qui định cùng chung huyết thống ba đời, kể cả bên bố hay bên mẹ, đều không được lấy nhau.

Nguồn: sưu tầm
Ngày đăng 22/04/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã xem blog. Nếu có thắc mắc, ý kiến nhận xét vui lòng ghi vào ô phía dưới.