Khi nghiên cứu lịch sử, ta sẽ thấy Nhà thờ họ được hình thành từ khi có dòng Họ, từ khi xuất hiện nhân tố Làng. Dòng họ chính thì có Nhà thờ lớn, chia ra các Nhánh thì sẽ có những Nhà thờ họ nhỏ hơn. Việc thờ cúng tổ tiên thông qua Nhà thờ họ là một tín ngưỡng theo suốt chiều dài lịch sử.
Vì sao các bậc tiền bối của chúng ta lại xây dựng Nhà thờ Họ? Đầu tiên là để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, giữ trọn đạo làm con. Thêm vào đó, Nhà thờ Họ là nơi để con cháu cả dòng Họ có chỗ tụ họp, gặp gỡ và thực hiện những nghi lễ cúng tế, là nơi để giáo dục con cháu đời sau nhớ về cội nguồn. Đó cũng là một chỗ dựa tinh thần cho những người con trong Họ, là nơi ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng cũng như là động lực để mọi người cố gắng.
Người dân Việt tin rằng, khi những người thân mất đi, không có nghĩa là đã hết. Ở “bên kia thế giới” họ vẫn nhìn thấy, nghe thấy và hiểu hết mọi chuyện, phù hộ độ trì cho những người đang sống trên trần gian. Chính vì vậy, việc xây dựng Nhà thờ Họ một phần cũng vì muốn có nơi để tập trung gửi gắm những mong muốn của mọi người đến với tổ tiên.
Vừa qua, tôi được mời vào Hà Tĩnh tham dự hội thảo về một ngôi làng truyền thống. Đó là làng Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Đây là một ngôi làng có truyền thống xuyên suốt chiều dài lịch sử, với những con người nổi tiếng. Cuộc hội thảo đi vào phân tích các dòng họ, các cá nhân tiêu biểu, các danh nhân… Cũng trong cuộc hội thảo này, có nhiều tham luận nói về các dòng họ. Nơi đây có nhiều dòng họ rất lớn, ví như họ Phan của Phan Đình Phùng, họ Hoàng của Hoàng Cao Khải, họ Trần của Trần Phú… Từ đó, chúng tôi cũng đã đi thăm một số Nhà thờ họ và rút ra kết luận: Làng là cơ sở của Dòng họ. Một số làng cổ như làng Tùng Ảnh, dòng họ rất quan trọng. Dòng họ có tính chất cố kết, nhiều dòng họ liên kết với nhau thành từng làng, xã. Và khi nói đến dòng Họ, là chúng ta đang nói đến Nhà thờ họ.
Trong vùng chúng tôi về, tôi thấy dòng họ nào cũng có nhà thờ. Qua chiến tranh, rất nhiều các nhà thờ bị tàn phá, nhưng rồi khi hòa bình, kinh tế ngày càng ổn định thì các Nhà thờ họ lại được khôi phục gần như ở khắp mọi nơi. Đối với mỗi dòng họ, dường như có một niềm tin vĩnh hằng: Nhà thờ Họ là cái gốc. Chính vì vậy, Nhà thờ Họ có vai trò rất lớn trong tâm linh của con người. Đây là nơi diễn ra những buổi cúng tế, giỗ chạp, hội họp… của cả họ. Người dân trong họ, và đặc biệt là ông trưởng họ đều có quyết tâm xây dựng dòng họ mình ngày càng hưng thịnh. Quyết tâm đó thể hiện ở việc cho con cháu ăn học, tạo mọi điều kiện để vượt qua những khó khăn. Họ cho rằng, để đạt được những điều đó là nhờ có tổ tiên của mình phù hộ, giúp đỡ.
Nhà thờ họ là một trung tâm quy tụ lòng tin của con cháu thuộc một dòng họ đối với tổ tiên của mình. Đấy cũng là nơi họ phấn đấu, rèn luyện, cố gắng để thực hiện được những điều mong muốn của tổ tiên. Khi trong Họ có việc lớn, tất cả những người đại diện cho từng gia đình thành viên sẽ họp lại và đưa ra những ý kiến, quyết định. Trong từng gia đình cũng vậy. Có nhiều dòng họ lớn, tính nghiêm luật rất cao, khi mỗi nhà có việc đều phải được cả Họ đồng ý, ngày xưa, ngay đến chuyện dựng vợ gả chồng cũng phải được Họ đồng ý. Nhiều đôi trai gái, vì mâu thuẫn dòng họ mà không thể lấy nhau. Tất nhiên, ngày nay những chuyện riêng của từng gia đình không đến mức phải mang ra bàn thảo và chịu nhiều sức ép từ Họ như xưa, nhưng vẫn phải hỏi ý kiến vị Trưởng Họ.
Nhà thờ họ Phan - Mông Phụ - Hà Nội |
Vị trưởng họ ở đây được truyền lại từ đời này qua đời khác, trừ khi gia đình được truyền không có con trai nối dõi. Đó chính là một phần lý do, tại sao bắt buộc các nhà trưởng họ đều muốn có con trai, nếu không muốn vị trí này chuyển qua nhà khác. Ở một khía cạnh nào đó, vị Trưởng họ có sức mạnh rất lớn và có sức ảnh hưởng, cũng như trách nhiệm với tất cả mọi người trong Họ, được trọng nể và tôn kính, bất luận tuổi tác. Vì thế, đôi khi về quê, ta vẫn hay bắt gặp những cách xưng hô rất khác thường, ví như một người tóc hoa râm vẫn chào một đứa bé mới lớn là “ông trẻ”. Và, nếu lâu ngày không về quê, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nhớ hết được rằng, phải xưng hô với ai thế nào cho phải phép.
Nhà thờ họ thực ra khá phong phú về mặt hình thức, tùy vào điều kiện và tập tục của từng vùng. Nhưng, dù có lớn hay nhỏ, sang trọng hay giản đơn thì cũng đều là nơi các gia đình trong họ tôn thờ những vị tổ của mình. Nó là một điểm tập hợp các nguyện vọng của con cháu đối với cha ông, phấn đấu để xứng đáng với cha ông.
Có thể thấy, Nhà thờ họ không chỉ là để dành cho những dịp Lễ, Tết, khi cần họp đông đủ các gia đình trong dòng tộc, mà đôi khi, nó là nơi mà mỗi người tự tìm đến khi thấy tâm trạng bất ổn, khi cần tìm một điểm tựa, khi cần một sự trợ giúp, và cũng có khi là nơi mà một ai đó có thể chia sẻ tất cả. Người ta thường nói thật, sống thật khi đến đây. Một học sinh chuẩn bị thi đại học, đến thắp hương mong được các cụ trợ giúp; một người con từ thành phố về Tết trước khi đi làm ra cầu khấn được chở che, công việc thuận lợi… Dường như, mỗi người đều coi Nhà thờ họ là nơi để gửi gắm, là nơi họ kính cẩn cúi chào khi đặt chân về, và khi bước chân đi.
Văn hóa dòng họ, thông qua việc xây dựng Nhà thờ họ là một nền tảng để xây dựng một môi trường xã hội tốt đẹp và phát triển. Có không ít các dòng họ đã tự lập những Quỹ khuyến học riêng cho mình, tổ chức những buổi giao lưu, khen tặng và giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích xuất sắc trong học tập trong dòng họ. Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng Nhà thờ họ là một điều đáng khích lệ. Việc thực hiện các tế lễ tổ tiên thông qua nhà thờ Họ của mình là một điều cần thiết. Hiện nay, trong kinh tế thị trường, ý thức quay về dòng họ, quay về tổ tiên là một điều tích cực.
Nhà thờ họ thực ra khá phong phú về mặt hình thức, tùy vào điều kiện và tập tục của từng vùng. Trước đây, Nhà thờ họ có cấu trúc tương tự như nhà ở dân gian của người Việt, chủ yếu là kết cấu khung gỗ với các hình thức kết cấu cơ bản giống nhà ở.
GS sử học Đinh Xuân Lâm
Nguồn ảnh: Internet
Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 03/2010
Ngày đăng 23/06/2011
Ngày đăng 23/06/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã xem blog. Nếu có thắc mắc, ý kiến nhận xét vui lòng ghi vào ô phía dưới.