Linh hồn của một nhà thờ họ chính là tâm linh, niềm tin vào sự phù hộ của tổ tiên, là trách nhiệm và tình cảm uống nước nhớ nguồn của con cháu với cha ông mình, là việc tạo ra sự gắn kết các thành viên của dòng họ với nhau thành một cộng đồng nhỏ trong xã hội đương đại. Đó là những giá trị vĩnh hằng và bản sắc của các nhà thờ họ người Việt.
Sau cải cách ruộng đất, trong thời cải tạo tư sản và trong bối cảnh phân chia 2 miền Nam - Bắc, các giá trị gia đình ít được tôn trọng, vai trò của cha mẹ thường thấp hơn hay bị mờ nhạt hơn vai trò của các đoàn thể xã hội. Con cái nghe đoàn thể hơn nghe bố mẹ; gắn kết với các đoàn thể hơn với gia đình. Đó là còn chưa kể tới những trường hợp con cái không dám liên hệ với bố mẹ, ông bà trong một thời gian dài vì sợ bị liên luỵ thành phần giai cấp. Thậm chí, có người còn tuyên bố cắt đứt mối liên hệ đó hoặc thay họ, đổi tên.
Trong bối cảnh đó việc thờ cúng gia tiên bị sao nhãng, nhiều gia đình không còn bàn thờ gia tiên, nhiều nhà thờ họ bị hoang tàn, không người chăm sóc. Các gia đình có nhà thờ họ ở nông thôn thì rơi vào cảnh thành phần phú nông, địa chủ; ở thành phố thì là gia đình tư sản. Nếu không bị xếp “thành phần” thì việc thờ cúng tổ tiên bị coi là duy tâm, là phong kiến, lạc hậu. Bối cảnh văn hoá xã hội như vậy kéo dài vài chục năm.
Từ năm 1975 trở lại đây, và nhất là sau thời kỳ Đổi mới, khi nhận thức được giải phóng, các quan hệ gia đình, gia tộc, dòng họ dần dần được phục hồi, các giá trị trong gia đình được tôn trọng hơn, vai trò của gia đình từng bước một được trở lại như trong cuộc sống thường nhật. Kinh tế khá giả hơn với mọi gia đình và đời sống tâm linh cũng được chú trọng hơn. Trong bối cảnh đó, từ khoảng 10 năm trở lại đây, như một phong trào, các dòng họ, chi họ tu sửa hoặc xây mới nhà thờ họ để thờ cúng tổ tiên.
Xây nhà thờ họ hay tạo không gian dành cho nhà thờ họ ở đô thị?
Nhiều dòng họ có nhu cầu tôn tạo, khôi phục hay tạo lập mới nhà thờ họ ở thành phố. Ở nông thôn, lúc trước đất đai còn dễ, người thành phố về quê sửa chữa hay mua đất, xây mới nhà thờ họ, sửa sang lại mồ mả cha ông. Những gia đình nhiều đời ở thành phố hay có quan hệ dòng họ rộng rãi, đông người có nhu cầu lập nhà thờ họ, nhà thờ chi họ ở thành phố. Hà Nội xưa cũng vậy. Từ lâu người dân Hà Nội vốn là người tứ xứ đến sinh cơ lập nghiệp, lâu dần bà con họ hàng kéo nhau từ quê ra, ngày một đông. Họ lập nhà thờ họ để cúng vọng vì không phải lúc nào cũng có thể về nhà thờ tổ ở quê hay lập nhà thờ mới cho các chi ngày càng phát triển đông đúc ở đây.
Xưa đất rộng, người thưa nên việc mua đất, xây nhà thờ họ dễ dàng. Nay thì khác. Việc mua bán tốn kém, khó ai có thể xây riêng một toà nhà thờ họ độc lập ở giữa thành phố. Cho nên các nhà thờ họ hiện tại và tương lai thường chỉ là một không gian dành riêng trong ngôi nhà người trưởng họ. Không gian đó ở tầng cao hay tầng trệt tuỳ người chủ quyết định, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, vị thế xã hội và tính cách của chủ gia đình. Hơn nữa nó còn lệ thuộc rất nhiều vào mức độ “đậm - nhạt” của người chủ nhà đối với tâm linh, đối với niềm tin ở các thầy phong thuỷ. Người này thấy thoải mái khi bàn thờ ở tầng một; người kia lại thấy hợp lý khi đặt bàn thờ ở trên tầng cao. Ở đây khó có thể và không nên xây dựng một quy chuẩn cụ thể nào cả. Cũng tương tự như vậy, việc bố trí và sắp đặt bàn thờ, quy mô bàn thờ họ cũng không nên có quy chuẩn. Nhà hẹp, bàn thờ chỉ là một giá gỗ. Nhà rộng thì bàn thờ nhiều kiểu loại được thầy chỉ định, có thể mua ở khắp các cửa hàng chuyên đồ thờ với các “số đo Lỗ Ban” định sẵn. Trên bàn thờ có thể có giá gương, bài vị, ngai hoặc chỉ đơn giản những tấm ảnh của ông bà, cha mẹ quá cố. Có khám thờ hay không, có cửa võng, hoành phi, câu đối hay không tuỳ thuộc vào nhu cầu và thị hiếu từng gia đình. Chúng không phải là những giá trị luôn luôn cần có hay không thể thiếu được của bàn thờ hay một nhà thờ họ. Giá trị của nhà thờ trong xã hội hiện đại không phụ thuộc những thứ ấy.
Vấn đề quan trọng mà các nhà kiến trúc có thể quan tâm và can thiệp, theo tôi nghĩ đó là cần giúp gợi mở việc bố trí, tổ chức không gian như thế nào cho hợp lý của bàn thờ họ (hay gọi cách khác là nhà thờ họ nhưng không phải là một căn nhà độc lập) trong khuôn khổ không gian của một gia đình ở thành phố, trong một căn nhà độc lập, một căn hộ trong khu nhà chung cư cao cấp hay bình dân. Vấn đề tổ chức không gian là rất quan trọng, vì diện tích thì hẹp (với quảng đại nhân dân) mà lại cần bố trí bàn thờ trang trọng, có chỗ cho mọi thành viên gia tộc tới thực hiện các nghi lễ, tụ họp và nếu có điều kiện hơn thì cả việc ăn uống.
Hãy để cho chủ thể văn hoá tự quyết định: Cái quan trọng là linh hồn và những giá trị tinh thần
Theo tôi, không nên chuẩn hoá kiến trúc theo kiểu “nhà thờ họ cho trăm họ” hay nói cách khác là cần tạo ra một phản đề. Xã hội đương đại cần sự đa dạng và tôn trọng nhu cầu của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ. Sự can thiệp quá sâu của nhà nước, ngành văn hoá hay các kiến trúc sư vào nhà thờ họ sẽ làm mất đi tính đa dạng văn hoá. Trong bối cảnh đương đại, cái vỏ kiến trúc không phải là cái quan trọng với nhà thờ họ. Hãy để cho chủ thể văn hoá tự quyết định và xã hội tự điều chỉnh. Linh hồn của một nhà thờ họ chính là tâm linh, niềm tin vào sự phù hộ của tổ tiên, là trách nhiệm và tình cảm uống nước nhớ nguồn của con cháu với cha ông mình, là việc tạo ra sự gắn kết các thành viên của dòng họ với nhau thành một cộng đồng nhỏ trong xã hội đương đại. Đó là những giá trị vĩnh hằng và bản sắc của các nhà thờ họ người Việt.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Nguồn ảnh: Internet
Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 03/2010
Ngày 22/0602011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã xem blog. Nếu có thắc mắc, ý kiến nhận xét vui lòng ghi vào ô phía dưới.