22/6/11

Nhà thờ họ xây mới đang không có định hướng.

Hiện nay, một số địa phương ở Miền Bắc đang tồn tại cái có thể gọi là trào lưu xây dựng Nhà thờ họ. Với những họ vốn có nhà thờ rồi nhưng do chiến tranh hay thời gian mai một đi, không ai nghĩ tới nữa giờ được quan tâm hơn, tu sửa hay làm mới.

Với những họ trước đây chưa từng có Nhà thờ họ, giờ cũng bắt tay vào. Đó có thể coi là sự nối tiếp của phong trào nhận họ, phong trào xây dựng gia phả, tộc phả trong chục năm trở lại đây, theo tinh thần cố kết, tìm họ tìm hàng. Việc xây dựng nhà thờ họ bắt nguồn từ quan niệm đề cao dòng họ, nhà thờ họ là nơi hằng năm con cháu tụ hội giỗ tổ, để gặp gỡ nhau, vừa trao đổi tình cảm, công việc, việc làm ăn.

Theo tôi, việc xây dựng Nhà thờ họ có nhiều mặt tốt thể hiện bản sắc của người Việt ta. Đó là tinh thần uống nước nhớ nguồn. Cây có gốc, nước có nguồn, gia tộc có tổ; con cháu nhớ về tổ tiên, nhớ về ông tổ đã khai sáng ra dòng họ mình, thể hiện lòng biết ơn với những người đi trước, rất đáng hoan nghênh. Việc xây dựng Nhà thờ họ cũng tạo nên một trụ sở, địa điểm để tập hợp lực lượng, giúp những người cùng dòng máu nhận biết nhau, tăng sức mạnh cho dòng họ.


Nhưng bên cạnh đó, có một thứ đang manh nha, đó là việc trở lại tinh thần họ tộc làng xã xưa, cục bộ. Làng thời phong kiến có nhiều họ, họ này cạnh tranh với họ kia, họ này có người làm quan to, quan nhỏ, rồi đố kị, ghen ghét trong sự cạnh tranh hỗn độn của tục lệ “Hương ẩm xôi thịt” của làng xóm xưa, tranh giành cái chỗ ngồi, sọ lợn, đầu gà ở chốn đình chung. Vì vậy, người ta phải co cụm với nhau để tự vệ mà tục ngữ đã đúc kết thành câu: “Nước cứ làng, làng cứ họ, họ cứ anh em”. Đó là cái cục bộ, bản vị, địa phương rất nặng nề.
Nhà thờ họ Nguyên Phước - Điện Bàn - Quảng Nam

Cho nên việc xây Nhà thờ cũng thế, họ to thì xây nhà thờ ngất ngưởng, như cái đình, “tô son trát phấn” lộng lẫy. Còn họ nhỏ, không có sức, thì làm nhà thờ nhỏ, nhưng rồi sớm muộn sẽ cố gắng xây Nhà thờ họ, không to hơn thì bét ra cũng bằng họ có trước. Làm to làm đẹp hơn thì ai chả thích, nhưng điều quan trọng là phải điều hòa quan hệ trong làng xóm. Nhà thờ họ chỉ là hình thức, là cái xác, cái vỏ. Không phải Nhà thờ to mà họ ấy đoàn kết, và ngược lại. Vì vậy, cái cơ bản là tinh thần đoàn kết, để bà con trong họ đoàn kết với nhau, đồng thời đoàn kết với cả các họ khác, tức là đề cao đoàn kết giữa các họ, đoàn kết trong làng xã. Họ nào phát huy được tình đoàn kết giữa trong họ và ngoài họ mới là thành công nhất, đáng quý nhất.

Về kiến trúc, những Nhà thờ họ xây mới đang không được định hướng. Nơi thì làm cổ, nơi hiện đại, nơi cổ pha kim, cột kèo nhưng bằng bê tông cốt thép. Những nhà thờ họ tiêu biểu ngày càng mai một. Vì vậy, thường chỉ ở vùng sâu vùng xa, nhà thờ họ còn giữ được nét kiến trúc cổ. Cũng là công trình kiến trúc như ngôi đình ngôi miếu, vẫn những xà, rường cột, nhưng mang nét kiến trúc tôn giáo cổ truyền.
Nhà thờ họ Đồng - Kim Thành - Hải Dương

Làm thế nào để hướng tới việc xây mới các nhà thờ họ phù hợp với kiến trúc truyền thống Việt Nam? Đây là vấn đề tâm linh, không thể áp đặt xây nhà thờ họ kiểu gì, xây thế nào, cao bao nhiêu. Tuy nhiên, phải có sự định hướng của các cơ quan chuyên môn. Ngành văn hóa nên đưa các mẫu gợi ý, kiến nghị với dòng họ khi xây dựng Nhà thờ họ sao cho hài hòa với kiến trúc trong từng cụm dân cư. Các KTS cũng nên thiết kế ra các kiểu Nhà thờ họ mới, mang tính chất linh thiêng nhưng phù hợp với xu thế hiện nay. Nhà thờ họ vẫn có cột kèo, lá dong lá gió nhưng sáng sủa hơn, không tăm tối nhưng vẫn đủ tôn nghiêm để những dòng họ đang chuẩn bị bắt tay xây dựng có thể tham khảo áp dụng được.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc
Nguồn ảnh: Internet
Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 03/2010
Ngày đăng 22/06/2011

1 nhận xét:

  1. Ai đang có nhu cầu xây nhà thờ họ 3 gian có thể liên hệ Kiến Trúc Nam Cường nhé

    Trả lờiXóa

Cảm ơn bạn đã xem blog. Nếu có thắc mắc, ý kiến nhận xét vui lòng ghi vào ô phía dưới.