(Dân trí) - Khủng hoảng gia đình (KHGĐ) đang trở thành vấn đề nóng của xã hội Việt Nam và cần tìm cách hóa giải. KHGĐ thường bắt đầu từ, và luôn đi cùng với sự tha hóa của văn hóa gia đình (VHGĐ).
Người ta thường nói: Nhìn vào bộ mặt văn hóa (VH) của một cộng đồng, mà rộng ra là một quốc gia, thì chúng ta có thể đoán định được chiều hướng phát triển hưng hay vong của cộng đồng (quốc gia) đó. Trong bộ mặt VH của cộng đồng thì có rất nhiều thành tố bộ phận, cả vô hình khó nhận ra ngay và cả hữu hình có thể nhận diện được. Thông thường chúng ta có thể nhìn vào thực trạng nếp sống VH thường ngày, trong đó thường trực nhất và dễ thấy nhất là văn hóa gia đình (VHGĐ), thì có thể nhận ra diện mạo thật về trình độ của nền VH cộng đồng (quốc gia). Bởi VHGĐ luôn được coi là nền tảng, là bộ phận cốt lõi nhất của VH cộng đồng, là sự tiếp nhận trung thực, trực tiếp nhất từ VH cộng đồng, là sự thu nhỏ của VH cộng đồng. Nhận thức này xuất phát từ quan niệm đúng đắn : GĐ là một thứ XH vi mô, là một thể chế XH cơ bản, xuất phát của con người, do đó nó là một thực thể VH.
Bài viết này muốn đề cập một thực trạng đáng buồn và rất đáng lo ngại về sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực của VHGĐ.
(Ảnh có tính minh hoạ)
Khái niệm và đặc điểm của VHGĐ
Nhưng trước hết, cũng nên cùng nhau tìm hiểu về khái niệm VHGĐ.
Theo cách hiểu nôm na, phổ thông thì VHGĐ vẫn được coi là những chuẩn mực, những giá trị về đạo đức, về trí tuệ (chứ không chỉ về đạo đức) trong việc xây dựng và phát triển GĐ của một cộng đồng (chứ không chỉ của một GĐ), đã được mọi người tự nguyện chấp nhận và tôn trọng.
Cũng có người cho rằng: Nói một cách hình tượng thì VHGĐ là phần “hồn” của trạng thái phát triển của GĐ, nó luôn đứng đàng sau, định hướng cho mỗi bước phát triển của GĐ.
Từ thực tiễn trải nghiệm và qua nghiên cứu lý luận cũng như quan sát, khảo sát thực tế, chúng tôi thấy cần lưu ý những đặc điểm sau đây của VHGĐ:
- Tính bền vững (tương đối), nghĩa là VHGĐ phải tương đối ổn định trong một thời gian không phải là ngắn, không thể chỉ thoảng qua, không chỉ là tạm thời, không thể dễ thay đổi, dễ biến mất. Nhưng như vậy không phải VHGĐ là bất biến, mà nó có thể thay đổi (dưới tác động của môi trường kinh tế - xã hội (KT-XH) và các dòng VH khác), và thực tế đã từng nhiều lần thay đổi, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của cộng đồng. Và do vậy mà phải nói thêm một đặc điểm quan trọng khác của VHGĐ, là tính kế thừa.
- Có bản sắc tập thể, thể hiện những nét tính cách chung của cả cộng đồng, bởi nó luôn được và cần phải được số đông thấm nhuần và thực hiện. Nói khác đi thì VHGĐ là những chuẩn mực, những giá trị không mang dấu ấn cá nhân, không phụ thuộc vào nét tính cách riêng biệt của bất cứ cá nhân nào, GĐ nào, dù là nét riêng nổi trội.
- VHGĐ có chiều sâu trí tuệ và tình cảm, đến mức đã biến thành Niềm tin của mọi người, biến thành Biểu tượng trong mọi hoạt động của GĐ. Biểu hiện cao nhất là sự tự nguyện chấp nhận và tôn trọng của mọi người
- VHGĐ có nét bản sắc riêng (tính địa phương) khá rõ (vùng miền, chủng tộc, quốc gia...), mà cao nhất là bản sắc dân tộc, bởi nó chịu ảnh hưởng trực tiếp từ VH của cộng đồng mà GĐ đang sinh sống. Chả vậy mà VHGĐ Việt Nam (và nhiều nước châu Á) có nhiều nội dung không giống như VHGĐ ở các nước phương Tây. Tuy nhiên VHGĐ vẫn có nhiều nội dung cơ bản là chung cho toàn nhân loại...
Từ cách hiểu khái quát về khái niệm VHGĐ và sự nhận diện mấy đặc điểm chính của VHGĐ vừa nêu trên, chúng ta hãy điểm qua về nội dung cơ bản của VHGĐ. Có thể nói gọn, VHGĐ được hiểu như là tập hợp những chuẩn mực về đạo đức và trí tuệ gắn liền với đời sống GĐ và các mặt quan hệ giữa GĐ với XH. Đó là những biểu hiện VH liên quan đến nhũng mốc quan trọng nhất của một đời người trong khuôn khổ GĐ, từ lúc sinh ra, được nuôi dạy, trưởng thành..., kết hôn,... cho đến tuổi già và chết đi, tức là liên quan đến những chức năng thuần túy GĐ. Đồng thời đó cũng là những biểu hiện VH liên quan đến chức năng XH của GĐ, góp phần thúc đẩy XH và VH của XH phát triển.
Về nội dung cơ bản của VHGĐ, có thể quy về mấy điểm sau:
- Phần cốt lõi của VHGĐ là VH nhân bản, thể hiện tập trung ở chuẩn mực và giá trị về Tình và Nghĩa, trong các mối quan hệ giữa các thành viên của GĐ: vợ - chông, cha mẹ - con cái, anh chị – em (trong VHGĐ Việt Nam thường gọi đó là Đạo vợ chồng, Đạo cha con, Đạo anh em...). Cũng có thể hiểu phần cốt lõi này là sự kết hợp bền chặt giữa tình thương yêu (Tình) và trách nhiệm (Nghĩa), trên cơ sở của tình cảm huyết thống, mà không thể có ở bất cứ đâu, ngoài GĐ.
- Bên cạnh đó là mặt lý trí (trí tuệ, dân trí) của các mối quan hệ, thể hiện ra trong mọi mặt của đời sông GĐ. Nói khác đi, VHGĐ không thể chỉ là những tín điều, những nề nếp, tục lệ thiên về mặt tín ngưỡng và tâm linh, không có cơ sở khoa học, được tiếp nhận chỉ bằng cảm tính.
- VHGĐ còn bao gồm mặt ý thức thẩm mỹ, là lối sống đẹp trong đời sống GĐ cũng như trong quan hệ XH của GĐ.
Trên cơ sở những nhận thức chung đó, soi rọi vào VHGĐ Việt Nam, chúng ta có thể nhận ra rất nhiều giá trị VH truyền thống tốt đẹp, chẳng hạn :
- Sự thủy chung trong quan hệ vợ chồng.
- Sự hiếu thảo của con cái với bố mẹ, sự tôn kính ông bà, coi trọng và tri ân tổ tiên, ngưỡng vọng và không lãng quên quá khứ,...
- Cha mẹ hết lòng vì con cái, biết hy sinh cho con cái khi cần thiết. Anh em thương yêu, đùm bọc cho nhau trong sự gắn kết Tình Nghĩa bền chặt.
- Không khí sinh hoạt trong GĐ ngày càng thể hiện xu hướng dân chủ hóa, mà tiêu điểm là sự bình đẳng nam nữ, là trả lại vị trí xứng đáng của người phụ nữ trong GĐ.
- Coi trọng việc xây dựng GĐ thành một tổ ấm, đặc biệt là mặt đạo lý (trước hết là Đạo trong nhà). Bảo vệ và phát huy truyền thống GĐ, tôn trọng và giữ gìn gia phong. Chăm lo để GĐ luôn hòa thuận, con cái chăm ngoan và không vướng vào tệ nạn XH. Mọi nề nếp sinh hoạt đều thể hiện nét VH tiến bộ, từ kế hoạch lao động sản xuất hàng ngày, việc dạy dỗ con trẻ,...đến việc tổ chức sinh nhật, mừng thọ, khánh thành nhà mới,..., và cho đến việc cưới xin, ma chay, giỗ chạp,...
- Coi trọng quan hệ họ hàng trong gia tộc, coi trọng quan hệ với xóm giềng, làng xã, biết sống khiêm nhường và hòa đồng với cộng đồng, biết sống tử tế, đàng hoàng với mọi người, biết sống “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Tối lửa tắt đèn có nhau”...
VHGĐ Việt Nam trong dòng chảy của VH dân tộc, đã trải qua rất nhiều thăng trầm hàng ngàn năm, bắt đầu từ nên VH bản địa của dân tộc Lạc Việt, và đã chịu ảnh hưởng của nhiều nền VH nước ngoài khác có liên quan (Khổng giáo của Trung Quốc, Phật giáo của Ấn Độ, VH Pháp và phương tây, VH Xô viêt,...). Nhưng VHGĐ Việt Nam (cũng như VH Việt Nam nói chung) vẫn giữ được cốt cách riêng, bản sắc riêng, không bị pha tạp biến chất mà còn chắt lọc thêm được, bổ sung thêm được những giá trị tốt đẹp khác nữa. Những nội dung của VHGĐ Việt Nam ngày càng phát triển phong phú, tiến bộ so với trước đây, với những giá trị truyền thống cũ được “nầng cấp” và lại có thêm những giá trị mới. Những giá trị ấy, truyền thống ấy không những đã luôn có mặt trong đời sống hiện hữu, mà còn luôn được nâng niu, gìn giữ trong đời sống tâm linh của mọi người Việt, mọi GĐ Việt, và chính nhờ thế mà tính bền vững và tính kế thừa của VHGĐ Việt Nam càng được củng cố và phát huy tác dụng.
Trên đây là lô gích tất yếu của sự phát triển VHGĐ và cũng là điều mong muốn của chúng ta, trước đòi hỏi của đất nước Đổi mới. Và đó cũng chính là sự khái quát những biểu hiện điển hình của VHGĐ ở những điểm sáng Gia đình văn hóa (GĐVH) tiêu biểu (và đích thực) mà chúng tôi đã được tiếp cận hoặc được nghiên cứu, hay khảo sát thực tế. Nhưng đáng tiếc và đáng lo là những biểu hiện ấy không phải là những nét phổ biến áp đảo, không phải là bộ mặt đại trà của VHGĐ hiện nay ở nước ta.
Những biểu hiện của KHGĐ Việt Nam
Thực trạng hiện nay là trong đời sống XH Việt Nam đang có hội chứng Khủng hoảng GĐ (KHGĐ). Đó là những biểu hiện rất bất thường trong sự phát triển của các GĐ, đảo lộn nếp sống êm ấm vốn có. Đó là hiện tượng mâu thuẫn nội tại trong sự phát triển GĐ đã trở nên có tính đối nghịch, không thể tự hóa giải được, và đã đến mức gay gắt. Đó là sự rối nhiễu nếp sống, sự đảo lộn gia phong, các mối quan hệ đã bị rạn nứt khá căng thẳng, đã xuất hiện các hành vi bạo lực dưới nhiều hình thức. Sự gay gắt, căng thẳng ấy càng ngày càng tiến đến cao trào, trực tiếp đe dọa sự cố kết GĐ và dẫn đến kết cục tan vỡ GĐ,...Suy cho cùng thì KHGĐ bắt nguồn trực tiếp từ sự tha hóa của VHGĐ, từ đó mà VHGĐ đã mất đi vai trò định hướng cho sự phát triển GĐ, mà nó vốn có.
Vấn nạn này không chỉ trực tiếp đe dọa sự phát triển bền vững và an toàn của các GĐ - đơn vị tế bào của XH, mà còn ảnh hưởng rất tiêu cực đến nền tảng VH của toàn XH, đến bộ mặt VH và sự ổn định của XH và đất nước. Những biểu hiện tiêu cực, tha hóa của VHGĐ, mà chúng ta gọi là KHGĐ, cũng rất đa dạng và phức tạp. Ngày nay, ai cũng có thể kể ra hàng loạt những hiện tượng KHGĐ đã từng xảy ra ở bất cứ đâu trên đất nước này, và chỉ cần nhắc lại một phần nhỏ trong đó thôi cũng đã thấy rùng mình, ớn lạnh, lo buồn.
Đó là các thứ “triết lý” Tình yêu thực dụng, xác thịt, “sống thử”, chửa trước, chửa hoang; Đó là kiểu hôn nhân bị thương mại hóa, không cần có tình yêu chân thành và trong sáng; Đó là chuyện ngoại tình thường ngày “ông ăn chả, bà ăn nem” vô cùng lộn xộn và nhảm nhí; Đó là chuyện bồ bịch, ông này bà nọ, và những đứa con ngoài giá thú; Đó là những chuyện “đánh ghen” tàn độc, vô nhân tính; Đó là chuyện ly hôn quá dễ dàng như thay áo và những GĐ một bề, với những đứa con không còn bố/mẹ ; Đó là những vụ chia gia tài sau ly hôn quá căng thẳng như là một sự tranh cướp, một cuộc mặc cả mua bán bẩn thỉu; Đó là những câu chuyện đau lòng về những ông bố, bà mẹ già tuy đông con, nhiều cháu mà phải sống vất vưởng nhờ vào sự cưu mang của xóm giềng, phải chứng kiến các con đùn đẩy nhau chăm nuôi bố mẹ, chia chác nghĩa vụ đóng góp chi li từng tháng, thậm chí đến mức bố mẹ bị bỏ rơi hẳn rồi phải lang thang ăn xin; Đó là chuyện những đứa con hỗn hào thường xuyên hành hạ bố mẹ già về cả thể xác và tinh thần; Đó là chuyện những đứa con hư hỏng, lâm vào các tệ nạn XH, thường xuyên rình rập sơ hở của bố mẹ để tìm cách chôm chỉa tài sản mang đi cầm cố lấy tiền ăn chơi, hút hít; Đó là cảnh những đứa con bất hiếu chỉ biết mình, không lo chăm sóc bố mẹ già, mà chỉ mong cho bố mẹ nhanh chết để chia nhau đất đai và tài sản, luôn mồm giục bố mẹ viết di chúc kẻo không may ra đi đột ngột; Đó là cảnh nhiều GĐ thường xuyên cãi lộn về những mối bất hòa, những xung đột về tài chính; Đó là chuyện rất nhiều GĐ buôn bán giàu có và nhiều GĐ quan chức quanh năm chỉ lo chuyện làm giàu, lo chạy chức tước và quyền lực, mà chểnh mảng nhiệm vụ chăm sóc dạy dỗ con cái, để con cái tự do chơi bời lêu lổng, trở thành học sinh cá biệt, vướng vào tệ nạn XH, thành phần tử ăn tàn phá hại trong nhà, thậm chí phạm tội ngoài XH; Đó là cảnh đau buồn của rất nhiều GĐ có con nghiện ma túy, đồ đạc lần lượt “đội nón ra đi”, kinh tế ngày càng khánh kiệt, khi con lên cơn nghiện thì trong nhà chỉ nghe thấy tiếng con la hét, đập phá, giãy giụa, và tai họa cuối cùng nếu con đã nhiễm HIV thì cả nhà đành ngồi chờ tử thần đến đón con đi; Đó là chuyện anh chị em ruột thịt “gà cùng một mẹ” nhưng luôn hục hặc tranh giành nhau tài sản kế thừa, đến mức đâm chém nhau và đưa nhau ra tòa; Đó là những bi kịch bạo lực GĐ luôn xảy ra trong nhiều GĐ mà thói gia trưởng đang ngự trị, mà người chủ GĐ lại bê tha rượu chè, cờ bạc, và nạn nhân đáng thương là vợ và con cái, nhất là cảnh những bà vợ tội nghiệp luôn phải hứng chịu đủ mọi dạng bạo lực từ ông chồng; Đó là lối sống thực dụng, vụ lợi bao trùm toàn bộ đời sống GĐ, kể từ chuyện ăn học của con cái, chuyện làm ăn kinh doanh, cho đến việc phụng dưỡng bố mẹ, thờ cúng tổ tiên, đến quan hệ đối xử với xóm giềng,... tất cả chỉ xoay quanh mối lợi kiếm tiền, mà từ đấy luôn là các duyên cớ để sinh ra mâu thuẫn, cãi cọ, bất hòa..., Nhiều và nhiều lắm lắm, không sao kể hết!
Theo một số nhà nghiên cứu XH học, Tâm lý học và các cơ quan chức năng thì trong bức tranh hỗn loạn của KHGĐ ấy, nổi lên các hiện tượng nhức nhối nhất là: Ly hôn, Bạo lực GĐ, Người già cô đơn, Mại dâm, Ma túy, Trẻ lang thang... Đánh giá này là đúng với thực trạng, nhưng có lẽ chưa đủ, nên rất cần được thẩm định lại, bằng những điều tra XH học đáng tin cậy hơn nữa.
Thực trạng đáng buồn nói trên của KHGĐ vẫn đang tiếp tục phát triển theo chiều hướng ngày càng xấu đi, chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Chúng ta cần phải thẳng thắn thừa nhận sự cảnh báo: KHGĐ ở Việt Nam đã phát triển đến mức độ nghiêm trọng! Sự nghiêm trọng đã thể hiện ra ở những dấu hiệu sau:
- Đây là sự KH toàn diện, trên hầu như tát cả nội dung cơ bản của VHGĐ, đặc biệt là phần nội dung cốt lõi (Tình và Nghĩa), cả đạo lý, cả lối sống và nếp sống thường ngày của GĐ.
- Diễn ra trên diện rộng, từ thành thị cho đến nông thôn, thậm chí lan cả đến vùng sâu vùng xa (ma túy chẳng hạn).
- Tấn công vào tất cả các loại GĐ, vào mọi tầng lớp dân cư : từ GĐ truyền thống nhiều thế hệ đến GĐ hạt nhân 2 thế hệ, từ GĐ buôn bán đến GĐ nông dân, công nhân, từ GĐ dân thường đến GĐ quan chức, từ các GĐ ít học đến GĐ trí thức,... từ GĐ giàu có đến GĐ nghèo, từ các đối tượng có nguy cơ cao với các tệ nạn XH cho đến những đối tượng còn trong trắng (thiếu niên, vị thành niên..), từ người ít tuổi cho đến cả người đã từng trải...
- Hậu quả gây ra là rất nặng nề, cả trước mắt và lâu dài. Trực tiếp trước mắt là làm cho đời sống rất nhiều GĐ bất ổn, thậm chí dẫn đến tan vỡ hàng loạt, rất nhiều nạn nhân trở thành “người không GĐ”!... Hậu quả lâu dài, dai dẳng là VHGĐ lại tiếp tục bị biến dạng méo mó, bị tha hóa, gia phong bị đảo lộn... Và nguy hại nhất là các thành viên, nhất là thành viên trẻ, trong các GĐ đó sẽ không còn chỗ dựa GĐ, đánh mất dần niềm tin vào cuộc sống, mất phương hướng định hình cho nhân cách,...và sẽ trở thành gánh nặng cho GĐ, thành lực cản cho sự phát triển của XH... Tổn thương ở tầm vĩ mô là rất to lớn, bởi từ đó XH cứ tiếp tục theo đà mà tha hóa về nhiều mặt, và có thể dẫn đến mất ổn định chính trị,...
Nguyên nhân và phương hướng khắc phục
Lý giải về nguyên nhân của vấn nạn KHGĐ thì hầu như mọi người chúng ta đều nhìn rõ cả mặt chủ quan và khách quan.
- Trước hết, về mặt chủ quan, những người trong cuộc, tức là mọi người dân chúng ta (vì ai cũng đều là thành viên của các GĐ), đã thiếu sự chuẩn bị hành trang cần thiết để vào cuộc, nhất là từ khi đất nước đi vào Đổi mới, được tiếp cận với KT thị trường và hội nhập toàn cầu. Sự chuẩn bị này bao gồm cả Tâm và Trí, xoay quanh cái vốn liếng về VHGĐ, nhìn chung là quá sơ sài và vội vã, nên khi vào cuộc rất nhiều người đã tỏ ra không đủ bản lĩnh để đi cùng với sự dịch chuyển VH. Những biến đổi VH do Đổi mới mang đến quá nhanh và xô bồ so với sự thích ứng của khá nhiều người, về nhận thức, về tình cảm..., về nhân cách nói chung. Sự “lệch pha” này đã dẫn đến lúng túng khi phải ứng xử với những biểu hiện tha hóa ban đầu về VHGĐ, để rồi cứ thế liên tiếp dẫn đến các hiện tượng KHGĐ như đã nêu ở trên. Xét về bản chất, thì KHGĐ chính là sự rối loạn trong việc thực thi các chức năng của GĐ (sinh sản, tái sản xuất sức lao động, KT, giáo dục - GD, VH...), mà nổi rõ lên là chức năng KT lấn át các chức năng khác, nhất là chức năng GD.
Tác nhân trực tiếp tạo ra KHGĐ chính là VHGĐ đã bị suy thoái, biến chất.
- Về mặt khách quan, thì đích danh các khuyết tật trong cơ chế lãnh đạo, quản lý XH (thường gọi là “lỗi hệ thống”) là tác nhân gây tội từ xa và ở tầm vĩ mô, là nguồn gốc sâu xa của vấn nạn KHGĐ. Chính nó đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự tha hóa VHGĐ (và VH nói chung) tự do phát triển. Chính môi trường chưa được kiểm soát một cách có hiệu quả đó, đã dung dưỡng cho nhiều thói xấu, nhiều tiêu cực trong đời sống KT - XH phát triển mạnh mẽ để dẫn đến sự tha hóa toàn diện về VH, trong đó bộ phận bị lâm bệnh nặng nhất là VHGĐ. Bên cạnh đó, sự hư hỏng của Người Lớn (mà vai trò “đầu têu” là bộ phận sâu mọt trong giới quan chức, đảng viên) đã nêu những gương xấu, thúc đẩy nhanh hơn quá trình tha hóa VH nói trên, trước tiên là VHGĐ. Sự du nhập lối sống của nước ngoài (thực dụng, ích kỷ, cá nhân,...) vào nước ta (nhất là qua phim ảnh, mạng internet), cũng là một tác nhân quan trọng của quá trình tha hóa VHGĐ, mà nhiều người trong chúng ta vẫn lầm tưởng và coi thường.
- Ở đây cần phải nhấn mạnh nhiều hơn đến nguyên nhân khách quan, đến “lỗi hệ thống”, phải coi đó là nguyên nhân chủ yếu và sâu xa, xuyên suốt, là nguyên nhân gốc. Bởi GĐ luôn được coi là một XH vi mô, VHGĐ là một bộ phận của VH cộng đồng XH vĩ mô. Chính những thiếu sót và yếu kém của môi trường KT - XH đã đè nặng và luôn có xu hướng muốn nhấn chìm đi những yếu tố tiến bộ của VHGĐ, làm cho VHGĐ ngày càng lún sâu xuống vũng bùn tha hóa, để rồi kéo theo là vấn nạn KHGĐ. Đó là lô gích tất yếu của thực tiễn, không thể nói khác được. Chỉ ra được nguyên nhân chủ yếu này, cũng có nghĩa là chúng ta đã xác định được ai là người phải chịu trách nhiệm trước hết và trên hết: các nhà lãnh đạo, quản lý XH ở các cấp.
Trong nhiều nghiên cứu về các hiện tượng KHGĐ, các nhà khoa học đã cảnh báo cho mọi người về nguy cơ ngày càng suy thoái trầm trọng của VHGĐ, và theo đó là một tương lai rất đáng lo lắng của hệ thống các GĐ Việt Nam, nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Đấy cũng là sự lo lắng về vận mệnh của đất nước, về số phận của lớp trẻ đang lớn lên ! Các cấp lãnh đạo, quản lý đất nước cũng như mọi người hãy cùng ra tay cứu vớt lấy VHGĐ, khi còn chưa quá muộn!
Xin nói thêm với các dòng họ, từ vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết các GĐ cùng huyết thống để tạo thành hệ thống màng lưới vững chắc các tế bào của XH, thì càng cần phải nhìn rõ hơn nguy cơ KHGĐ này. Bởi GĐ luôn là đối tượng bị nhiễm bệnh trước nhất, nặng nhất, nhiều nhất và dai dẳng nhất. Trước yêu cầu phát triển bền vững của dòng họ mình, các dòng họ không thể bàng quan, mà phải coi đó chính là một việc bức xúc của mình, và phải xông vào cuộc ngay, không thể chần chừ ! Các dòng họ phải nắm sát tình hình các GĐ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ cụ thể, nhằm chống trả cho được sự suy thoái ghê gớm này, bảo vệ cho được sự trong sáng và truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cộng đồng và đất nước.
Nhân bàn thảo về chủ đề này, chúng ta cũng tha thiết đề nghị hệ thống chính trị các cấp hãy tổ chức tốt hơn nữa, một cách thực chất, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa (GĐVH), với tinh thần “Làm thật để có hiệu quả thật”, “Chống cách làm hình thức của bệnh thành tích”. Phải lấy nội dung đích thực của VHGĐ mà soi rọi vào các tiêu chí của GĐVH và các mục tiêu của phong trào.
Rất mong mọi người hãy thực sự quan tâm và trao đổi để cùng nhau hành động, quyết vực dậy cho được VHGĐ đang xuống cấp, để có thể hạn chế tối đa những đau đớn và mất mát từ vấn nạn KHGĐ!
Hữu Minh
(Dòng họ Đỗ Hữu - gốc Hậu Lộc, Thanh Hóa)
Ngày 28/06/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã xem blog. Nếu có thắc mắc, ý kiến nhận xét vui lòng ghi vào ô phía dưới.