18/10/11

Kinh nghiệm soạn Gia phả

Kinh nghiệm soạn Gia phả
Soạn gia phả là cần thiết nhưng không phải dễ. Song nó cũng không quá khó. Kinh nghiệm thực tế rút ra mấy điều về bố cục, nội dung và kỹ thuật viết Gia phả:
  • Đặt Tên bộ gia phả: phải lấy tên theo tên của Họ ghép với tên gọi chỉ đơn vị hành chính nơi họ khởi nguồn hay sinh sống mà ghi theo âm, cấu trúc ngữ pháp hiện tại cho dễ hiểu, ai cũng đọc được. Chú ý các họ kép và tuỳ họ mà ghi địa danh tới cấp thôn, xã hay tỉnh. Ví dụ tôi đã ghi: GIA PHẢ HỌ LƯƠNG CHIẾN THẮNG (cả xã Chiến Thắng chỉ có 1 họ Lương, dù đó là Lương Hoàn hay Lương Đức), GIA PHẢ HỌ PHẠM CỐC TRÀNG (tuy cùng Phạm Văn nhưng xã Chiến Thắng có 2 dòng họ Phạm: họ Phạm ở thôn Cốc Tràng thuộc dòng Phạm Đình Khanh còn họ Phạm ở thôn Kim Côn lại thuộc dòng Phạm Công Tài), GIA PHẢ HỌ LƯƠNG ĐỨC LÀO CAI (tại tỉnh Lào Cai có nhiều người họ Lương nhưng những người họ Lương Đức đều chung một gốc).
  • Bố cục bộ Gia phả: Nhiều tài liệu đã viết khá đầy đủ. Đại thể nó gồm: Lời nói đầu, Phả ký, Phả hệ và phần kết thúc cùng các Phụ lục (Ngoại phả). Khi soạn Gia phả dòng họ tôi chia ra 8 mục lớn. Tiêu đề mỗi phần và đề mục được viết bằng một câu thơ, tập hợp lại sẽ thành một bài lục bát:
Mào đầu xin có đôi trang,
Phát nguồn, Gia tộc, Họ hàng, thân, sơ.
“Đất lành chim đậu” thành quê,
“Một con, một gánh” nên Chi, nên Ngành.
Rời quê lên với ngàn xanh,
Rạng danh tiên tổ mới thành con ngoan.
Xum xuê Cành Quế, Chồi Lan,
Giữ cho chữ “Đức Lưu Quang” truyền đời.
  • Viết Lời tựa: Nêu lý do dựng gia phả, những cuốn gia phả được tiếp thu; quá trình, kết quả, đã cùng làm với ưu khuyết, đề nghị con cháu bổ khuyết. Trong “MỞ ĐẦU XIN NGỎ ĐÔI TRANG” cuốn Gia phả tôi soạn có 8 mục sau:
1- Cành sinh bởi gốc, chim có tổ : 
2- Lương tộc mưu sinh khắp mọi miền: 
3- Muốn biết thân, sơ xem Gia phả:
4- Các đời kế tiếp nối soạn nên:
5- Đây việc tôi làm từ “Tâm nguyện”:
6- Soạn nên Gia phả có 6 phần : 
7- Mỗi phần chắt lọc từng tư liệu : 
8- Con cháu mai ngày hãy tiếp thêm:
  • Viết Phả ký: Đây là phần chép về lịch sử phát tích dòng họ với ông bà tổ sinh sống tại tổ quán và nơi phái gia đình tôi chuyển đến (Dư địa chí làng, xã, huyện, tỉnh), trải qua từng thế hệ (đời) cho đến ngày nay. Đúc kết đặc điểm, tính chất dòng họ, những ưu điểm và đề xuất phương hướng xây dụng dòng họ văn hóa. Đây là phần khó bởi nó liên quan nhiều đến kiên sthức về địa lý, lịch sử, văn hoá và thực tế phát triển của dòng họ. Về dư địa chí quê gốc Hải Phòng và quê mới Lào Cai tôi soạn thành 16 mục với mỗi tiểu mục là một câu mà tập hợp lại sẽ thành 4 khổ thơ thất ngôn:
Thau chua, rửa mặn miền Đông Bắc :
Lập làng, khai nghiệp cạnh sông Văn,
Chân núi Ông Voi, An Lão đến ,
Kiến An tỉnh cũ, Hải Phòng nay.

Đường lên mở đất xây quê mới:
Thời cơ, ý Đảng, hợp lòng dân,
Góp giữ vững vàng miền biên ải ,
Rời biển lên ngàn, học tiền nhân.

Biên viễn đất này vùng Tây Bắc:
Nơi nước Hồng Hà nhập Việt Nam,
Bảo Thắng đất xưa miền Thủy Vĩ ,
Phong Niên quê mới sáng bừng lên.

An Phong thủa ấy còn hoang hoá,
Tay trắng đi lên bởi chí bền.
Đổi thay muôn mặt nhờ trăm họ,
Con cháu mai ngày chớ lãng quên.
  • Về lai lịch, quá trình phát triển và những bài học rút ra của dòng họ tôi đã soạn đặt tại 3 mục lớn: 
NGỌN NGUỒN GIA TỘC HỌ HÀNG THÂN SƠ
“MỘT CON, MỘT GÁNH” NÊN CHI NÊN NGÀNH
GIỮ CHO CHỮ “ĐỨC LƯU QUANG” TRUYỀN ĐỜI
  • Quan trọng là Tộc hệ, phả hệ: Đây là cách viết sử theo cách riêng cho gia phả, Ghi theo từng chi, chi trưởng ghi trước, chi thứ ghi sau, con cả ghi trước, con thứ ghi sau. Trước tiên, ghi trong khung tên họ cả chồng và vợ (nếu có), ghi năm sanh, năm mất, ghi ngày giỗ, tất cả theo âm lịch. Chép quá trình lớn lên, công tích từng người. Cuối cùng ghi thứ tự các con.
Để tiện trình bày tôi đã kết hợp vừa:
  1. Soạn theo hệ thống Ngang (橫系,người cùng đời chép chung trong một mục) với những gia đình, người trực hệ với gia đình tôi;
  2. Kết hợp theo hệ thống Dọc (纵系,từ Cụ Tổ ngành Nhất đến con cháu hậu duệ của Cụ sau đó tiếp đến Cụ Tổ và các thế hệ hậu duệ của ngành Hai...) với những người không trực hệ với tôi.
  • Thiết lập Phả đồ: Có nhiều cách vẽ phả đồ, có thể theo cách sơ đồ tổ chức, vòng tròng đồng tâm, cây gia phả, theo mẫu kiểu vi tính… Điều này giúp người xem thấy rõ một cách tổng quát các chi lớn, nhỏ, xa, gần của một họ, biết sự phát triển của dòng họ hay từng ngành mà phân biệt rõ thế thứ, thân sơ. Phần tôi, tôi soạn theo kiểu phân nhánh với tên từng người đặt trong các ô kèm các đường dẫn chỉ mối quan hệ: hàng trên sinh ra hàng dưới liền kề, bên trái là anh, bên phải là em. Chữ chỉ tên Nam, nữ, Dâu, Dể được định dạng khác nhau. Cụ thể gồm 4 Phả đồ:
P.H. 1 : Giản đồ phát triển Lương tộc Chiến Thắng: 
P.H. 2 : Giản đồ phát triển Ngành Ba: 
P.H. 3 : Sơ đồ phát triển Chi Út Ngành Ba: 
P.H. 4 : Giản đồ phát triển Phạm tộc Chiến Thắng:
P.H. 5 : Giản đồ phát triển Phạm tộc Chính Lý : 
  • Phụ lục: Ghi việc thờ cúng tổ tiên, giỗ tộc, giỗ chạp, văn khấn trong họ, nhà thờ tộc, hội đồng gia tộc nếu có, các bài thơ, văn, di ngôn, bí quyết dòng họ, giai thoại…mô tả các khu mộ. Khi soạn tôi đã dựng Gia phả ra 9 Phụ lục ứng với từng phần của Gia phả:
Phụ lục 1: QUÊ HƯƠNG 
Phụ lục 2: VIỆC HỌ : 
Phụ lục 3: MỘT SỐ CÂU ĐỐI, BÀI THƠ LƯU TRONG TỘC HỌ : 
Phụ lục 4: CHUYỆN TÂM LINH TRONG DÒNG HỌ: 
Phụ lục 5: MỪNG THỌ CHA MẸ 
Phụ lục 6: VIỆC HIẾU 
Phụ lục 7: HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH 
Phụ lục 8: VÌ TƯƠNG LẠI DÒNG HỌ 
  • Kỹ thuật soạn: Ứng dụng KHCN, tôi soạn trên máy Vi tính cho dễ bổ sung, sửa chữa, chỉnh sửa. Việc ứng dụng Tin học còn thuận tiện cả trong việc xếp Mục lục hay tìm kiếm mục từ hoặc lưu giữ cũng như tiện cho ai muốn sử dụng bản gốc này để soạn cho Gia phả nhà mình cũng như tiện cho tôi, con cháu tôi soạn, sửa, bổ sung tiếp sau.
  • Để hiểu, phân tích các bản phiên âm do phụ thân tôi để lại và do Trưởng chi Lương Hoàn cung cấp và cũng là tiện thẩm cứu khi có điều kiện, tôi tự học thêm để những chỗ cần thiết chèn cả chữ Hán 漢 hay Nôm 喃. Mặt chữ tôi dựa vào Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Ngũ Thiên tự của Vũ Văn Kính, Khổng Đức và sách lịch sử. Để Insert vào đoạn đang soạn tôi dùng phần mềm ứng dụng Hanokey 2.0 hay Viet Han Nom 2.0 qua Fonts chữ Arial Unicode MS hoặc Simsun, Nomminh, 文中. Do đó nếu chuyển bản này qua MVT khác không đủ 2 điều kiện trên thì các chữ Hán, Nôm không xuất được ra Word để xem và sửa. Đồng thời học tập tiền nhân, tôi giữ nguyên một số cách gọi theo truyền thống (Từ đường 祠堂, Tộc 族, Đệ 第,đại代) nhưng có cải tiến là dùng các chữ số La Mã để ghi số đời và chữ số Ả rập để ghi thứ tự; những từ thông dụng thì sẽ Việt hóa (như dùng từ “bà cả” thay cho “chính thất’’ 正室,“vợ lẽ” thay “Trắc thất” 側室...)
  • Soạn Gia phả cũng như làm sử phải trung thực. Những gì có tư liệu thành văn thì tuyệt đối tôn trọng các văn bản đó. Trường hợp có mâu thuẫn giữa các văn bản tôi cố gắng đối chiếu với lịch sử nước nhà, lịch sử địa phương, chuyện về các Danh nhân liên quan và với Phạm tộc Gia phả (là dòng họ lớn cùng xã, lập nghiệp ở Cao Mật cùng thời với Lương tộc, là họ của mẹ tôi và còn giữ được Gia phả). Những tư liệu truyền ngôn, tôi cố gắng hỏi nhiều người, dựa vào kiến thức Lịch sử, phong tục tập quán, hiểu biết của mình mà sắp xếp lại cho có logic, khoa học. Trên tinh thần “gạn đục, khơi trong”, tôi ghi cả việc hay và điều chưa tốt của Gia tộc nhưng không “tô hồng” và cũng chẳng “bới lông tìm vết”, không tự tiện thêm bớt, chỉ cố gắng sắp xếp lại cho rõ ràng. Đồng thời với lòng kính trọng, biết ơn Tổ tiên, tôi chú trọng chép lại những công tích, việc làm hay của tiền nhân để đời sau học tập, phát huy. Riêng những thói xấu, vết nhơ chỉ việc nào thật lớn tôi mới chép lại để làm bài học răn đe cho hậu thế còn chỉ đề cập lướt qua.
  • Viết Gia phả (Tục biên 續編 hay Chính biên 正編) là một việc khó, kể cả trong thời kì họ còn hưng thịnh, cư trú quanh quê gốc. Khi họ càng đông, tán mát đi nhiều nơi việc này khó hơn. Lại càng khó hơn với lớp hậu sinh, sớm xa quê, lơ mơ về Hán Nôm, chẳng mấy am tường về quê hương, họ mạc, hiếm tư liệu tham khảo, ít người chỉ bảo. Nhưng cầu toàn quá khó thành. Nhất là các thế hệ con cháu mai ngày không được sinh ra và lớn lên ở cố hương thì làm sao biết được gốc gác, tổ tông, nếu tôi không viết và truyền lại? Mặt khác thời nay, con cháu hầu như xa quê do đi làm ăn, do công tác nên dù có người tài giỏi, uyên thâm đến đâu cũng không thể tự mình viết đựợc Gia phả của gia tộc.
  • Tôi tự nhủ: cốt mình có Tâm 心, có Chí 志, có Trí 智, tập trung Thời gian 時間, thu thập đủ Tư liệu 思料, bỏ ra một chút Tiền của 財正, Sức lực 力行...chắc sẽ hoàn thành được di nguyện của phụ thân và chẳng ai nỡ trách cứ, nếu có sơ xuất.
Thứ hai, ngày 07 tháng mười hai năm 2009
Được đăng bởi menthuong Vào lúc 10:58:00
________________
Bài viết liên quan:
Phần mềm quản lý gia phả Gia Tộc 4.6
Phần mềm GiaToc: Thay đổi qua mỗi phiên bản
Cách tạo Blog Gia phả kết hợp với Việt Nam Gia Phả
Phả Hệ họ Đoàn (Thái Hà)

1 nhận xét:

  1. dạ cảm ơn anh rất nhiều.nhờ có anh mà em đã hiểu ra nhiều điều hơn.chúc anh luôn vui vẻ- hạnh phúc....trời k phụ người có tâm có đức đâu nah ! Thân

    Trả lờiXóa

Cảm ơn bạn đã xem blog. Nếu có thắc mắc, ý kiến nhận xét vui lòng ghi vào ô phía dưới.