25/10/11

Bánh cáy Thái Bình - Đặc sản quê tôi.

Thái Bình không chỉ nổi tiếng là quê hương năm tấn, gạo đồng phù sa, mà còn nổi tiếng bởi một món bánh đặc biệt có vị dẻo, cay, ngậy bùi, thơm thơm. Đó là món bánh Cáy. Bánh Cáy Thái Thái Bình thì nhiều vô kể nhưng nổi tiếng thơm ngon, đậm đà nhất phải kể đến “bánh cáy làng Nguyễn” - một làng thuộc huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình…

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên bàn thờ tổ tiên nhà nào cũng có bánh cáy. Người dân quê tôi xem nó như là một thứ quà đặc biệt dành biếu ông bà, cha mẹ hay những người thân để tỏ lòng kính trọng, yêu thương. Với khách đến chơi nhà, đĩa bánh quê hương chính là món quà thể hiện lòng mến khách của gia chủ.

Để làm nên món bánh cáy thơm ngon đặc biệt, người làm bánh phải chọn được những nguyên liệu tươi ngon nhất, bao gồm: gạo nếp cái hoa vàng, vừng, lạc, dừa, gừng, gấc, cà rốt, vỏ quýt, nước quả dành dành, mỡ lợn, đường nha… Làm bánh cáy khá phức tạp, những người thợ làm bánh phải được học rất bài bản và tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu đến các công đoạn làm bánh. Gạo nếp làm bánh được chia làm 2 phần, một phần đồ với gấc tạo nên màu hồng thắm; phần còn lại đồ với nước quả dành dành tạo nên màu vàng tươi. Hai loại xôi này đều được giã bằng chày như làm bánh dày. Sau khi giã nhuyễn đều, cán mỏng, cắt thành lát như mứt bí rồi sấy khô. Sấy xong cho vào chảo mỡ lợn đang sôi đảo đều tới khi lát bánh thơm giòn.

Bánh cáy Thái Bình
Các nguyên liệu phụ như lạc, vừng được rang chín giòn, xát bỏ vỏ. Gạo nếp hoa vàng được rang nở tung như bỏng, dậy mùi thơm. Mỡ lợn ướp muối đường hơn nửa tháng, đem ra thái nhỏ như hạt lựu, rồi khi xào lên thấy thật trong và giòn. Cà rốt xào nước đường, nước gừng, vỏ quýt tươi được chuẩn bị đầy đủ.

Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị trộn đều với đường mía, hâm nóng trên chảo đến khi đạt tới mùi thơm thì đưa vào khuôn gỗ được chuẩn bị sẵn có lót vừng bên trong, nhồi nén cho bánh trở nên cứng, sau đó lấy ra cho vào bao bì, ta sẽ được bánh cáy thành phẩm. Bánh không phơi nắng, không sấy qua lửa nhưng để được rất lâu nếu làm đúng kỹ thuật. Bánh cáy khi thành phẩm sẽ có màu sắc rất bắt mắt, bánh hội đủ mùi vị, có vị ngọt thanh của đường nha, vị béo, bùi của lạc rang, vị ngầy ngậy của mỡ lợn, vị ấm nóng của gừng…Cắn một miếng bánh cáy vào tiết trời se lạnh nhâm nhi chén trà sen ngát hương ta mới thật sự “cảm” cái vị ngon mộc mạc, dân dã.

Ngày nay, dù nhiều nơi ở vùng biển phía Bắc nước ta cũng làm bánh cáy nhưng bánh Cáy quê tôi vẫn là loại bánh ngon nhất. Không những thế bánh đã xây dựng được cho mình thương hiệu riêng và có mặt trên khắp các tình thành của đất nước. Nếu có dịp ghé qua Thái Bình mời bạn cùng người dân quê tôi thưởng thức vị ngọt, bùi của món quà quê dân dã, rồi mua vài phong về làm quà cho bạn bè, người thân để cùng cảm nhận.

Nguồn: Báo Văn hóa
Ngày đăng 01/09/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã xem blog. Nếu có thắc mắc, ý kiến nhận xét vui lòng ghi vào ô phía dưới.