Ngày 5-8-Canh Dần (12-9-2010), tại Tòa Bái Đường Nhà Thờ Tổ họ Dương Đình xã Cẩm La-Yên Hưng, Lễ Khánh thành Trang hoàng nội thất Nhà Thờ tổ đã diễn ra trong thể. Đại biểu các thế hệ con cháu nội ngoại, các cá nhân xuất sắc, các gia đình, chi ổ đã về dự đông đủ trong không khí mừng công ấm cúng và đoàn tụ.
Họ Dương Đình là một trong 5 dòng họ Dương ở xã Cẩm La. Đây là một dòng họ có truyền thống văn hoá từ lâu đời. Từ buổi đầu các Thuỷ tổ đến các thế hệ con cháu, dòng họ luôn luôn góp phần sức người sức của vào sự nghiệp trị thuỷ, đắp đê lấn biển khai hoang, tiếp tục mở rộng, phát triển và giữ gìn hương ấp, làng xã đảo Hà Nam.
Thuỷ tổ của dòng họ là hai anh em ruột: cụ Dương Đình Chu, Dương Đình Nghị quê Thường Tín, theo “đồng liêu” và “chấp tử” (bạn học và anh em kết nghĩa) là cụ Dương Quang Tấn từ kinh thành Thăng Long (thời Hậu Lê -1434) về vùng “Tứ xã” Hà Nam thấy nơi đây có chiều hướng sinh nghiệp tốt, đã ở lại gia nhập vào cộng đồng hương ấp. Đến nay, tiến trình phát triển qua 16 đời, dòng họ hiện tồn tại hơn 400 suất trai đinh sinh sống tại quê hương và trên các vùng miền đất nước. Hầu như đời nào, dòng họ cũng có những danh nhân, chức sắc góp mặt với những ảnh hưởng tích cực vào xã hội làng xã vùng làng đảo Hà Nam . Trong vùng, người dân còn nhớ và ghi nhận những tên tuổi như cụ Chánh Nhã, cụ Hương Hoè, cụ Dương Đình Tiến, cụ Dương Đình Cẩn… Cụ Dương Đình Tiến là lý trưởng làng Cẩm La kiêm phó chánh tổng tổng Hà Nam, một chí sĩ yêu nước từng làm chủ tịch lâm thời đầu tiên của Uỷ ban hành chính lâm thời xã Cẩm La thời kỳ tiền khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám 1945. Nhân dân vùng “Tứ xã” rất ca ngợi, quí trọng cụ là một quan lại đức độ, một lão nông cần cù, sáng tạo. Những năm thập kỷ 60, 70, cụ là người đầu tiên mạnh dạn đem các loại rau màu ở nơi khác như su hào, bắp cải, khoai tây, thuốc lào, cam chanh và cả cá rô phi, cá trắm… về nuôi trồng trên ruộng đất chua mặn Hà Nam mà trước đó chưa ai dám làm, dám nghĩ tới. Hồi ấy, nhất là vụ chiêm khô hạn, người dân chỉ biết trông vào cây lúa độc canh, bỏ mặc đồng ruộng hoang hoá mọc đầy hoa cỏ sò. Sản phẩm do cụ sản xuất ra đạt năng suất và chất lượng rất tốt đã chứng tỏ đồng đất Hà Nam trồng trọt được nhiều thứ rau màu khi con người dám khai thác tiềm năng...
Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ Quốc, hàng trăm con em thanh niên dòng họ Dương Đình lên đường nhập ngũ; nhiều người là liệt sĩ và thương bệnh binh đã hy sinh, cống hiến xương máu trên các chiến trường. Ông Dương Đình Hiên, một cán bộ cách mạng lão thành, ông Dương Đình Thức từng làm chánh văn phòng UBND huyện, trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Yên Hưng; nhà thơ Dương Phượng Toại-Hội VHNT Quảng Ninh đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp văn hoá, báo chí và văn học nghệ thuật ở Yên Hưng-Quảng Ninh...
Uống nước nhớ nguồn, hàng năm con cháu dòng họ dù làm ăn xa xôi ở nơi đâu cũng hướng về nhà thờ Tổ. Các bậc cao tuổi luôn nhắc nhở, giáo huấn các thế hệ con cháu hăng hái lao động sản xuất, học tập và công tác, noi gương truyền thống, cốt cách gia phong. Cũng như các dòng họ khác trong cộng đồng cư dân Hà Nam , nhà thờ họ vô cùng thân thiết như ngôi nhà của chính mình. Mỗi dòng họ đều có một nhà thờ để nhớ ơn công đức tổ tiên.
Nhà thờ Tổ họ Dương Đình có từ khoảng đầu thế kỷ 17, dựng bằng mái tranh vách đất nằm trên gò đất cao trong quần thể nhà thờ các dòng họ ở thôn Cẩm Tiến xã Cẩm La và đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu gần đây nhất vào năm 1996. Bởi thời gian, mưa nắng khắc nghiệt, nhà thờ đã xuống cấp nhiều hạng mục.
Năm 2005, được sự giúp đỡ của UBND huyện Yên Hưng và UBND xã Cẩm La, diện tích khu nhà thờ được mở rộng, xây dựng mới khuôn viên trên mặt bằng 240m2. Để bảo tồn di tích, Hội đồng gia tộc cùng tập thể các thế hệ con cháu đã phát động và quyết tâm thực hiện dự án xây mới nhà Bái đường nhằm củng cố nền nếp thờ phụng tổ tiên và quy tụ con cháu.
Mùa thu năm 2007, công trình nhà Bái đường đã khai móng và cất dựng, gồm năm gian hai chái bằng tường xây và nội thất cốt gỗ. Đặc biệt hệ thống cốt gỗ được kiến trúc theo lối nhà cổ truyền thống với bốn vì gỗ kết cấu chắc chắn, đục chạm phù điêu và hoa văn theo đồ án trang trí dân gian thông dụng rất tinh xảo, khéo tay. Sau 10 tháng tập trung nhân tài vật lực thi công, công trình nhà Bái đường nhà thờ tổ đã hoàn thành với trị giá 300 triệu đồng, nếu tính trượt giá hiện nay lên tới ngót 1 tỷ đồng.
Đây là niềm vui lớn của dòng họ, bởi sau nhiều thế kỷ lầm than, đói khổ, người họ Dương mới có được một công trình lớn tầm cỡ như thế này. Các gia đình trong dòng họ chủ yếu làm nông nghiệp, ngư nghiệp, điều kiện đời sống còn không ít khó khăn. Nhưng với tấm lòng tự hào gia phong và tinh thần quyết tâm cao, mỗi người một ít, một nén cũng thơm một đồng cũng quí, các thế hệ con cháu đã đóng góp và đặc biệt cúng tiến, tài trợ cho công trình hoàn tất, to đẹp, khang trang.
3 người bên phải là đại diện gia đình Đào Dương Tuyển - Chủ tịch HĐDQT Công ty Âu lạc Tuần Châu - Hạ Long tại buổi lễ khánh thành trang trí nội thất Từ đường Họ Dương Phượng
Đặc biệt gia đình và chi ổ cụ Đào Tiến Sằn (thôn Lưu Khuê xã Liên Hoà-Yên Hưng–nay ngụ tại TP Hồ Chí Minh, thân sinh doanh nhân Đào Hồng Tuyển, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Quốc tế Âu Lạc-Tuần Châu) sau một thời gian dài lưu lạc do chiến tranh, vỡ đê và nạn đói dưới chế độ thực dân phong kiến… đã nhận được cội nguồn gia tộc họ Dương Đình xã Cẩm La. Gia đình cụ đã có những đóng góp ý nghĩa vào công việc tu tạo và xây dựng dòng họ gốc. Lá rụng về cội, nước chảy về nguồn, trở về gốc cũ họ Dương Đình, từ nay con cháu gia đình cụ về sau vẫn mang tên họ Đào để nhớ ơn công nuôi và giữ đệm họ đẻ, gọi là Đào Dương…
Kế vào nhà thờ cũ, ngôi nhà mới đã hoàn thiện khu di tích nhà thờ họ Dương Đình thành một hệ thống kiến trúc gồm hậu cung và bái đường, kế thừa kiến trúc cổ của văn hoá thờ cúng ở Hà Nam . Đây là một “sảnh đường” sinh hoạt văn hoá cộng đồng cho con cháu gần xa về họp mặt mỗi khi chạp Tổ và Tết đến Xuân về. Đứng trước toà bái đường mới, không giấu nổi nỗi mừng, ông Dương Đình Cầu chủ tịch Hội đồng gia tộc nói:
-Trước đây do hoàn cảnh đã ít nhân đinh lại nghèo khó, họ Dương Đình rất hiếm người học hành đỗ đạt. Chỉ có chi ổ cụ Dương Đình Tiến một thời được danh giá trong làng, hàng tổng. Đến những năm 80 của thế kỷ trước vẫn chưa có ai đỗ cử nhân. Nay nhờ công cuộc Đổi Mới, dòng họ đã có nhiều con em vươn lên đạt trình độ đại học và cao đẳng, công tác tại các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và các cơ sở kinh tế VH-XH...
Năm 2003 họ Dương Đình là dòng họ đầu tiên ở Cẩm La lập Quĩ Khuyến học. Hằng năm, Quĩ đã trao thưởng cho các con em học giỏi và thi đỗ vào các trường học.
Thiên thời –Địa lợi và Nhân hòa đã ủng hộ sự nghiệp của gia tộc!
Sau sự kiện trọng đại dựng tòa Bái đường, năm 2010, con cháu các thế hệ lại tiếp tục hướng về Tiên tổ bằng một loạt những tấm lòng vàng. Nhiều cá nhân đã vì gia tộc, mạnh dạn vận động anh chị em, con cháu trong gia đình, gia ổ, cúng tiến tiền của. Đây là tu cho chính ngôi nhà, chính gia đình. Trong cuộc sống đời thường, ăn tiêu bao nhiêu cũng hết nếu ta không nghĩ về danh gia vọng tộc, về cõi tâm linh Tổ tiên thì không thể thành công, mãi mãi phải chịu cành nhà thờ dột nát và nội thất tuềnh toàng, thua kém các dòng họ khác. Nhưng nếu ta chỉ dành ra một phần nhỏ thôi “Một nén cũng thơm một đồng cũng quý” thì sẽ làm nên cái lớn của gia tộc.
Chi ổ gia đình ông Dương Đình Hằng là tập thể đầu tiên cúng tiến các đồ tế khí, câu đối, đại tự và bộ Cửa Võng trong phong trào Trang hoàng Nội thất.
Những bộ câu đối, cửa võng và nhiều đồ tế khí khác được con cháu trong Nội - Ngoại Tộc cúng tiến làm cho Từ đường thêm phần sang trọng uy nghi!
Xuất phát từ những suy nghĩ đó, các gia đình, gia ổ đã cúng tiến các đồ thờ phụng, tế khí, câu đối đại tự, sập thờ, tủ tạng, bộ âm thanh, đặc biệt là 3 bộ Cửa Võng lớn. Có thể nói 3 bộ Cửa Võng điêu khắc chạm trổ hoa văn mang tính nghệ thuật cao của đồ án trang trí dân gian thông dụng… đã đánh dấu một bước ngoặt hiếm có từ trước tới nay về trang hoàng thờ phụng trong gia tộc. Có thể nói rằng: Từ không đến có, từ đơn sơ đến phong phú, Nội thất Nhà thờ gia tộc đã được không ngừng trang hoàng thêm lộng lẫy, trình tự, thể hiện một không gian tôn kính tôn nghiêm.
Một góc nội thất Từ đường họ Dương Phượng
Đại biểu con cháu nội - ngoại gần xa về dâng hương bái tổ!
Nguồn: ở đây.
Ngày 20/10/2011
__________________
Ảnh Từ Đường bao gồm trên 22 chùm ảnh chia thành nhiều phần mỗi phần là một bài viết như sau:
[P1; P2; P3; P4: P5; P6; P7; P8; P9; P10: P11; P14: P15: P16: P17; P18: P19: P20: ...]
Ảnh Từ đường P23 họ Nguyễn Văn ở Thái Hà (ô. Phông)
Ảnh Từ đường P22 họ Nguyễn Văn ở Thái Hà (ô. Đức)
Ảnh Từ đường P21 họ Nguyễn Văn ở Thái Hà (ô. Choát)
Ảnh Từ đường P13 (hình nhà thờ họ Quách - Thái Phúc)
Ảnh Từ đường P12 họ Nguyễn Văn ở Thái Hà (ô. Thân)
Ảnh Từ Đường P0 họ Đoàn Hữu ở Thái Hà (ô. Hợi)
Anbom ảnh nhà thờ họ (tổng hợp trên Picassa)
Xem các chùm ảnh khác tại chuyên mục: Xây dựng Từ Đường
Nguồn: ở đây.
Ngày 20/10/2011
__________________
Ảnh Từ Đường bao gồm trên 22 chùm ảnh chia thành nhiều phần mỗi phần là một bài viết như sau:
[P1; P2; P3; P4: P5; P6; P7; P8; P9; P10: P11; P14: P15: P16: P17; P18: P19: P20: ...]
Ảnh Từ đường P23 họ Nguyễn Văn ở Thái Hà (ô. Phông)
Ảnh Từ đường P22 họ Nguyễn Văn ở Thái Hà (ô. Đức)
Ảnh Từ đường P21 họ Nguyễn Văn ở Thái Hà (ô. Choát)
Ảnh Từ đường P13 (hình nhà thờ họ Quách - Thái Phúc)
Ảnh Từ đường P12 họ Nguyễn Văn ở Thái Hà (ô. Thân)
Ảnh Từ Đường P0 họ Đoàn Hữu ở Thái Hà (ô. Hợi)
Anbom ảnh nhà thờ họ (tổng hợp trên Picassa)
Xem các chùm ảnh khác tại chuyên mục: Xây dựng Từ Đường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã xem blog. Nếu có thắc mắc, ý kiến nhận xét vui lòng ghi vào ô phía dưới.