12/7/13

Bi kịch “Từ đường họ”...

Từ đường là nơi thờ cúng tổ tiên trong một dòng họ. Việc xây dựng từ đường họ không được pháp luật qui định hay bắt buộc, nhưng nó lại trở thành luật bất thành văn đối với mỗi làng xã, mỗi dòng tộc. Dòng họ càng lớn xây từ đường càng to, người nhiều tiền, xây càng hoành tráng. Tiền xây từ đường họ được “bổ theo suất đinh” đầu người, tùy theo nam, nữ, trưởng thứ trong gia tộc. Người nhiều tiền cười, người nghèo khó khóc và bi kịch từ đường họ đã diễn ra.

“Suất đinh” chia bổ đầu người

Quê tôi, một xã nghèo ở vùng ven biển. Người dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, sống chết nhờ cậy vào cây cói. Mấy năm gần đây, kinh tế phát triển, người ta đua nhau xây từ đường họ. Những bãi tha ma trước kia nhìn ngút tầm mắt, thì nay bị chặn đứng án ngữ bởi những từ đường, lăng tẩm san sát mọc lên. Muốn vào thắp hương cho người đã khuất phải coi sơ đồ, và luồn lách như giữa phố đông người. Bãi tha ma hết đất, họ xây từ đường ngay trong vườn trưởng họ cho… oách. Vì cho rằng “Tổ thiêng tổ ở trong nhà, tổ dại mới ra tha ma giữa đồng”. Vậy là những cánh đồng, bãi trồng lạc, trồng ngô, trồng mía được nhổ lên. Những cây lưu niên ăn trái từ hơn chục tuổi đến trăm tuổi cũng bị bật gốc. Cả làng đua nhau xây lăng miếu, từ đường, khắp thiên hạ đâu cũng xôn xao bàn tán chuyện đóng tiền xây từ đường theo “bổ đinh đầu người”.
(Hình ảnh ngày giỗ Đức thủy tổ dòng họ Lê Quý. Ảnh: CTV)

Ông Mai Văn V., trưởng họ dòng tộc họ “Mai Văn”, có nhiệm vụ thờ cúng tổ tiên 3 đời về trước triệu tập các “thành viên chủ chốt”, anh em họ tộc trong gia quyến để bàn kế hoạch xây từ đường. Những người trong dòng họ đi làm ăn xa tận Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu cũng về hồ hởi lắm, cho rằng: Xây từ đường họ là sáng suốt. Qua ba ngày đêm đèn chiếu, họ đã lên một kế hoạch xây. Số tiền xây từ đường họ lên đến trên một tỷ đồng, đây quả là không nhỏ so với những người thuần nông ở làng quê nghèo khó. Ông V. phân bổ: “Trưởng họ (đời thứ nhất) đóng 20 triệu đồng, các chú, các bác đời thứ hai đóng 15 triệu đồng, các chú, bác đời thứ ba đóng 10 triệu đồng. Mỗi cháu trai gọi là ông (tức là gọi người được thờ là ông) đóng 5 triệu đồng, gọi là “Cụ” đóng 3 triệu đồng, gọi là “Kỵ” đóng 2 triệu đồng. Trong một gia đình có nhiều con trai thì cứ theo đầu người mà đóng. Những thành viên trong họ đời thứ hai, nếu đẻ con trai kể từ khi xây từ đường họ, thì mỗi đứa con khi sinh ra cũng phải “nộp đinh” 2 triệu đồng/người, thu trong hai năm. Đối với con gái đi lấy chồng (xuất giá tòng phu) thì tùy tâm không ép. Riêng những người đi làm ăn xa nhiều tiền, “ngoài suất đinh” 40 triệu đồng, còn phải đóng thêm “tiền để hương khói ngày giỗ, Tết”. Ngoài ra, ai có lòng hảo tâm đóng thêm, trưởng họ cảm ơn và xin nhận”. “Quyết định” của trưởng họ được thông qua và biểu quyết in thành văn bản, gửi cho các bác, chú, anh em trong họ.

Sau khi “thống nhất”, trưởng họ đứng ra thu tiền. Những người có tiền thì nhẹ như lông hồng, chỉ khổ cho những người nghèo khó, cả năm lao động cật lực mới dành dụm được vài ba triệu đồng, bây giờ “nộp đinh” (tiếng người địa phương gọi đóng tiền từ đường là nộp đinh) coi như cả năm nhịn đói. Nhà có một con trai còn đỡ, nhà hai ba, thậm chí 5 anh con trai như nhà ông Mai Văn B. (thôn Trung Đoài) thì chạy đâu ra với 5 “suất đinh” đóng cho “ông” 25 triệu đồng, trong khi đó, còn bao thứ phải chi như học hành, đau ốm, khi thất bát mất mùa, bão gió…

Sợ đẻ con trai vì phải “nộp đinh”

Chị Mai Thị Qui, là cháu gái đã lấy chồng. Gia đình chị Qui nghèo chưa sắm được cái ti vi cho con xem. Nghe xây từ đường họ, chị cũng mừng, nhưng phải “tùy tâm” đóng góp một khoản tiền 1.500.000 đồng, với chị là một gánh nặng, trong khi con chị vẫn chưa đủ cơm ăn, áo chưa đủ mặc, tiền mua cho con quyển sách còn thiếu. Chị Qui dãi bày: “Xây từ đường họ là một nét đẹp văn hóa ở làng xã quê tôi. Mấy năm nay, họ đua nhau xây từ đường. Đối với những người có tiền thì coi “suất đinh” là chuyện nhỏ, nhưng đối với gia đình nghèo như nhà tôi thì đó là một gánh nặng. Tôi nghĩ khi anh em họ tộc còn nghèo, thì việc xây từ dường họ là chưa cần thiết, trong khi bao việc khác phải lo, phải làm. Trong dòng họ nhà tôi, có người vẫn nghèo hơn tôi, chưa có ngôi nhà để ở cho đàng hoàng, còn nhà tranh vách trát”.

Chị Mai Thị Như Trang, là gái đã xuất giá tòng phu. Mặc dù tùy tâm, nhưng chị vẫn đăng ký đóng hai triệu đồng, vì theo chị “cũng phải đóng cho nở mày nở mặt với chị em, họ hàng chứ”. Nhưng chồng chị không nghe: “Lấy chồng thì phải theo chồng, không đóng”. Chị Trang phân trần với chồng: “Họ đóng được, mình đóng được. Mà xây từ đường họ phải thật to, con cháu mới ăn nên làm ra”. Nghe bác trưởng họ “rót mật”, bùi tai, chị Trang xung phong đóng thêm hai triệu đồng nữa theo nghĩa “lòng hảo tâm”. Công trình từ đường họ Mai chưa xây xong, chị Trang chưa một lần vào thăm đã phải lìa đời vì mải mê kiếm tiền trả nợ trong một lần đi buôn chiếu cói tận Lạng Sơn bị tai nạn giao thông. Anh Phú - chồng chị Trang đến gào thét bắt đền trưởng họ. Nhà từ đường họ quét vôi trắng tinh thơm ngát mùi hương trong ngày khánh thành. Còn cháu Quý con trai chị Trang, anh Phú phải đeo trên đầu mảnh khăn tang trắng.

Anh Cường là con thứ sáu trong gia đình đời thứ hai của họ “Mai Văn”. Ngoài suất đinh anh phải đóng là 15 triệu đồng, anh còn phải đóng cho con trai 5 triệu đồng nữa. Anh Cường tâm sự: “Một năm vợ chồng tôi làm quần quật cũng chỉ tiết kiệm được mười triệu đồng. Với gia đình tôi, đóng một lúc 20 triệu đồng là vô cùng khó khăn. Tôi đành khất với trưởng họ đóng làm ba lần, nhưng phải “hoàn thành” trong một năm rưỡi. Việc xây từ đường họ, tuy không được pháp luật qui định, nhưng lại trở thành luật bất thành văn của làng xóm. Tuy là nét đẹp văn hóa, là nơi để con cháu gặp nhau họp mặt thờ cúng, vừa là nghĩa tri ân đối với người đã khuất, song nên xây tiết kiệm, giản dị, vừa tránh lãng phí lại “cứu” cho những gia đình nghèo”.

Chị Mừng đang mang bầu đứa con thứ 2 ba tháng tuổi. Chị lo lắng sợ đẻ con trai sẽ phải chịu một “suất đinh” 2 triệu đồng. “Không đóng năm này thì đóng năm sau chứ không thể bỏ được. Giá mà xây từ đường nhỏ vừa phải thôi thì chúng tôi “dễ thở” hơn. Những gia đình nghèo nông thôn bì sao được với mấy ông ở thành phố nhiều tiền. Mai đây đẻ thằng con trai này, lấy tiền đâu mà nộp đinh cho trưởng họ”, chị Mừng đưa tay xoa bụng, vừa mừng lại vừa lo….

Việc xây từ đường họ là một nét đẹp văn hóa, là sự tôn kính của người đang sống với những người đã khuất, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, chim có tổ, người có tông, lá rụng về cội”. Việc làm ý nghĩa đó đang trở thành nét đẹp của mỗi gia đình dòng tộc, đó là mặt thuận. Còn mặt trái của nó đã làm cho biết bao gia đình, “méo mặt” khổ sở vì phải đóng “suất đinh” cao, dẫn đến nhiều bi kịch không lường trước đã xảy ra.

Toàn dân ta đang tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bài trừ tệ ăn chơi đua đòi, giảm bớt hủ tục trong cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp; chống lãng phí trong xây dựng miếu lăng, nhà thờ họ… Việc xây dựng từ đường họ chưa có sự qui định cụ thể của pháp luật, song xây như thế nào cho “hợp túi tiền”, giản dị, tiết kiệm, trang trọng mà thiêng liêng là việc dòng họ đó phải cân nhắc. Làm sao, mỗi lần con cháu trong dòng họ đến lễ cúng đều thoải mái tâm tư, coi từ đường họ thực sự là nơi tụ họp, đoàn kết, nghĩa tình, tôn kính đó là việc nên làm.

Nguồn: http://www.cacdongho.vn
Ngày 05/03/2013
__________________________
Ảnh Từ Đường bao gồm trên 38 chùm ảnh chia thành nhiều phần mỗi phần là một bài viết như sau: [...35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42 ,...]
Anbom ảnh nhà thờ họ (tổng hợp trên Picassa)
Ảnh Từ đường P12 họ Nguyễn Văn ở Thái Hà (ô. Thân)
Ảnh Từ Đường P0 họ Đoàn Hữu ở Thái Hà (ô. Hợi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã xem blog. Nếu có thắc mắc, ý kiến nhận xét vui lòng ghi vào ô phía dưới.