Dòng tộc họ Đoàn thôn Nam Cường, xã Thái Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (trước kia là làng Thuyền Quan, phủ Thái Ninh, Thái Bình). Cụ Thủy tổ có nguồn gốc từ miền Trung, có lẽ sinh trưởng vào thời vua Lý Thái Tông (con trưởng của vua Lý Thái Tổ) lên ngôi vào năm Mậu Thìn. Đó là thời vua anh minh, ông quan tâm tới việc phát triển kinh tế, khai khẩn đất hoang, cải cách tổ chức xã hội dân cư…
...Quá trình lập thân, lập nghiệp cụ Thủy tổ họ Đoàn đã tìm thấy mảnh đất lành bên dòng sông Trà Lý (nhánh của sông Hồng chảy ra Biển Đông), nơi con người hiền hòa, đất đai phì nhiêu, khí hậu mát mẻ và cụ Thủy tổ quyết định gắn bó với mảnh đất này. Ngày nay cư dân họ Đoàn quần tụ chủ yếu tại trung tâm thôn Nam Cường, xã Thái Hà, quanh trục giao thông của làng nối các địa phương khác.
Hàng trăm năm trước trong xã hội phong kiến, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, điều kiện chăm sóc y tế còn phôi thai nên từ thời cụ Thủy tổ đến đời cụ tổ Đoàn Viết Hiến (đời thứ 11) các cụ chỉ sinh được một độc tôn nối dõi. Đến đời cụ tổ Hiến mới sinh được 2 cụ ông nối dõi, từ đó con cháu đông đúc hơn, nối tiếp các thế hệ ra đời, hình thành hai ngành, ngành cả và ngành thứ của dòng tộc.
Theo những tài liệu còn truy cứu được, cụ Thủy tổ của dòng họ là người có học vấn, am hiểu thời cuộc, có mối quan hệ giao lưu rộng. Những tư tưởng gia phong của cụ Thủy tổ sau này được các thế hệ họ Đoàn trân trọng, kế thừa và phát huy. Chính vì thế mà con cháu họ Đoàn đều hiếu học, coi trọng cái chữ để tiến thân và làm cơ sở để tiếp cận và hiểu biết xã hội.
Đến đời thứ 10, cụ Đoàn Viết Lý lấy binh nghiệp tiến thân, giữ chức “thiên hộ tổng dũng liệt tướng quân”, chưởng binh thao diễn tại kinh thành, được triều nhà Lê phong thụy hiệu “Lê triều thiên hộ tổng tri dũng liệt tướng quân, Đoàn quý công tự Phúc Trực”.
Về học vấn và hoạt động xã hội, thời phong kiến trong các khoa bảng khác nhau đã có nhiều cụ tham dự nhưng không đỗ đạt cao chỉ đạt đến bảng nhãn như cụ Đoàn Viết Huồng (đời thứ 13), cụ đã tham gia công tác xã hội thời phong kiến, làm đến phó lý. Cụ Đoàn Hữu Rạng đã làm đến chức lý trưởng. Trong công việc các cụ là người công minh, chính trực, được nhân dân kính trọng.
Đời 14, mặc dù nhân lực, vật lực còn ít ỏi với tinh thần nỗ lực lớn lao các cụ đã trùng tu được hai tòa nhà Từ đường kiên cố, mái ngói 3 gian, kèo cột bằng gỗ lim. các cụ Đoàn Hữu Hưng, Đoàn Hữu Huỳnh… là những người hiếu học, có uy tín lớn trong dòng tộc cũng như ngoài xã hội. Cụ Hưng đã ra làm lý trưởng, cụ khóa Huỳnh trong kháng chiến chống Pháp tham gia công tác bình dân học vụ, dạy chữ cho con cháu và cán bộ địa phương, cụ được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp.
Đến đời thứ 15, con cháu họ Đoàn đông đúc, học hành đỗ đạt, nhiều cụ là những cán bộ cốt cán, là giáo viên, những chiến sĩ tham gia hoat động cách mạng như cụ Đoàn Hữu Liệu, Ủy viên ban chấp hành huyện Thái Ninh, sau đó hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cụ Đoàn Hữu Luân là cán bộ nòng cốt của địa phương trong nhiều năm, là phó bí thư Đảng ủy xã Thái Hà, cụ Đoàn Hữu Phước tốt nghiệp trường đại học Kinh tế kế hoạch năm1966, Thạc sĩ kinh tế- chính trị năm 1987. Cụ Đoàn Nam Hương, tiến sĩ khoa học nhân văn - giảng viên đại học…
Đời thứ 16, đánh dấu sự thành đạt lớn lao của con cháu dòng họ về cả học vấn và sự nghiệp, một thế hệ các ông được trang bị một cách cơ bản về kỹ năng sống, học tập và lao động. Họ tham gia và thành công trên nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, họ là những chiến sĩ ưu tú của Quân đội nhân dân, mang quân hàm từ thiếu tá đến đại tá như thượng tá Đoàn Hữu Sinh, thượng tá Đoàn Hữu Đễ, thiếu tá Đoàn Hữu Tùng… Những chiến sĩ công an nhân dân như đại tá Đoàn Văn Hoa, Đoàn Hữu Thuyên, thượng tá Đoàn Hữu Hiệp, Đoàn Hữu Thiên…những nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Kinh, Đoàn Hữu Thước, cùng các thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân trong những ngành kinh tế, văn hóa khác nhau ở khắp miền đất nước như kỹ sư Đoàn Hữu Ty, bác sĩ Đoàn Hữu Oánh và Đoàn Hữu Uyên…cùng rất nhiều những kỹ sư, cử nhân khác. Trong đó ông Đoàn Hữu Long có đóng góp lớn trong việc tổng hợp dữ liệu và thiết kế đồ họa sách Gia phả, bà Đoàn Thị Hà đã lập và tiến cúng bảng phả toàn họ tại nhà Từ Đường. Đời 16 các ông sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn chống Mỹ, hầu hết trong số các ông đã tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, hai liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến thần thánh đó là liệt sĩ Đoàn Hữu Nhu, liệt sĩ Đoàn Hữu Hận. Nhiều người trong số các ông là dũng sĩ, được Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều huân huy chương các loại. Giai đoạn này, một loạt công trình kiến trúc lớn của họ như Từ đường, các ngôi mộ tổ đã được trùng tu xây dựng nhờ sự quan tâm đóng góp của các thành viên trong họ, sự tiến cúng của một số thành viên như kỹ sư điện lực Đoàn Hữu Đầm, ông là một thương gia địa ốc hàng đầu của Họ, là nhà tài trợ chính cho các công trình của dòng tộc, và hơn hết phải nói đến sự tận tâm của các ông trong Ban xây dựng.
Ngày nay cùng với sự phát triển mọi mặt của đất nước, cũng như các dòng tộc khác con cháu gia tộc họ Đoàn các thế hệ đời 17, 18 tiếp theo có điều kiện tốt hơn để kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dòng tộc, được đào tạo bài bản, năng động trong hoạt động xã hội để thực hiện những hoài bão lớn lao của mình. Ông Đoàn Hữu Huy đã là Phó chủ tịch UBND xã Thái Hà ở độ tuổi 35. Ông Đoàn Hữu Minh đã đạt được học vị Thạc sĩ kinh tế công tác tại dự án hỗ trợ giảm nghèo của Liên hiệp quốc (PRPP) ở độ tuổi 36. Bà Đoàn Thị Toan đã đạt được học vị tiến sĩ ở độ tuổi 42.
Các thế hệ gần đây của họ ta đã nhanh nhạy bắt kịp xu thế của thời đại, đó là trọng thương gia. Xuất hiện một loạt con cháu của dòng Họ đã thành công ở những mức độ khác nhau trên lĩnh vực kinh doanh buôn bán như: ông Đoàn Hữu Kế, ông Đoàn Hữu Nguyên, ông Đoàn Hữu Hải, ông Đoàn Văn Dũng, ông Đoàn Văn Tân…Họ là những người làm giàu cho gia đình, ích lợi cho cộng đồng và vẻ vang cho dòng tộc.
Khái quát lại, họ Đoàn thôn Nam cường, xã Thái Hà là họ tộc có truyền thống gia phong, nền nếp, hiếu học, lao động chăm chỉ. Từ đời thủy tổ đến sinh thời, con cháu họ Đoàn qua các thế hệ sống có thủy có chung, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau, trong quan hệ xã hội coi trọng cái đức, cái tâm và sự thành đạt trong sự nghiệp, những yếu tố đó luôn được coi trọng và trở thành bản sắc văn hóa cho các thế hệ con cháu noi theo.
TP.HCM, ngày 29/07/2013
Tiến sĩ ĐOÀN NAM HƯƠNG
"Phả ký" trong sách Gia phả họ Đoàn, thôn Nam Cường, xã Thái Hà.
(Phả ký này đã trình Ban Gia Phả xem xét, bổ sung, tiếp tục đón nhận ý kiến đóng góp của mọi thành viên trong Họ)
Ngày đăng 11/10/2013
__________________
Bài viết liên quan:
Thư mời dự lễ khánh thành nhà Từ Đường họ Đoàn
"PHẢ KÝ" họ Đoàn, xã Thái Hà
"TỘC ƯỚC" họ Đoàn
"LỜI KẾT" của sách Gia Phả họ Đoàn
"LỜI TỰA" sách Gia phả họ Đoàn
Mình họ Đinh thấy gia phả họ Đoàn nên ghé thăm....chúc toàn thể họ Đoàn mạnh khỏe và thành đạt.
Trả lờiXóa